Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên (bên trái) tại buổi làm việc với PV.
Thời gian qua công tác đấu thầu trong ngành y tế liên tiếp xảy ra những câu chuyện đáng buồn khi nhiều lãnh đạo đơn vị bị khởi tố, hàng loạt vi phạm trong công tác đấu thầu được phát hiện. Cụ thể, tại Sở Y tế tỉnh Sơn La, Cần Thơ, một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ để xảy ra sai phạm trong đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế và đã bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Mới đây, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng đã bị khởi tố về tội danh nêu trên. Tiếp đó là một số nhân viên Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE (địa chỉ hoạt động tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị khởi tố do có liên quan đến sai phạm trong đấu thầu xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên, Sở Y tế tỉnh Cần Thơ. Đây là những vụ việc gây tai tiếng trong dư luận cũng là bài học răn đe cho những người có chức vụ, quyền hạn nhưng lại cố ý vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay công tác đấu thầu tại một số địa phương vẫn còn tình trạng trúng sát giá, tỉ lệ tiết kiệm ngân sách rất thấp hay những thiết bị sản phẩm gói thầu có dấu hiệu cao hơn so với thị trường… gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, giảm sự cạnh tranh giữa các đơn vị tham gia đấu thầu.
Đơn cử, tại Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, theo phản ánh công tác đấu thầu tồn tại một số vấn đề như doanh nghiệp quen thuộc, gói thầu tỉ lệ tiết kiệm nhỏ giọt cho ngân sách nhà nước, thậm chí một số thiết bị sản phẩm có dấu hiệu cao hơn so với thị trường.
Cụ thể, ngày 23/12/2020, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1: Mua sảm máy thở chức năng cao, giá dự toán của gói thầu là 8.500.000.000 đồng do Công ty TNHH TCM Hà Thái và liên danh trúng thầu giá là 8.480.000.000 đồng. Như vậy, sau quá trình tổ chức đấu thầu công phu với gói thầu hơn 8 tỉ trên chỉ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 20 triệu.
Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói số 1: Mua sắm 4 máy thở xâm nhập và không xâm nhập.
Tại gói thầu này, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã mua 10 bộ máy thở chức năng cao, có ký hiệu nhãn mác của sản phẩm là: Carescape R860/Datex Ohmeda Inc (GE Heilthcare) xuất xứ ở Mỹ, đơn giá là 848.000.000 đồng/1 bộ.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, với máy thở chức năng cao model Carecape R860, hãng GE Healthcare (Datex Ohmeda Inc) xuất xứ Mỹ, đơn giá trúng thầu của Bệnh viện Đà Nẵng mua 10 bộ với đơn giá chỉ có 685 triệu đồng/bộ vào tháng 01/2020. Thấp hơn khoảng 160 triệu đồng/1 bộ so với giá mua máy này tại Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên.
Với số tiền chênh lệch hàng tỉ đồng rất lớn như trên, dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không việc nâng giá gói thầu để rút tiền ngân sách nhà nước? Đơn vị thẩm định giá gói thầu này có đủ năng lực, kinh nghiệm và việc thẩm định giá có thật sự khách quan, hiệu quả, chính xác?
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cũng đã từng lựa chọn Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE là đơn vị thẩm định giá gói thầu mua sắm ô tô cứu thương cho một số đơn vị thuộc Sở Y tế.
Theo đó, ngày 05/10/2020 ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định số 681/QĐ-SYT lựa chọn Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE cho gói thầu: “Thẩm định giá thuộc kế hoạch mua sắm ô tô cứu thương cho một số đơn vị thuộc Sở Y tế”.
Trong đó, gói thầu số 1: Mua sắm 5 xe cứu thương, thiết bị y tế, Công ty cổ phần đất Việt Thành được phê duyệt trúng thầu với giá 3.755.000.000 đồng, giá gói thầu 3.770.000.000 đồng.
Ở gói thầu này có giá hơn 3,7 tỉ đồng chỉ tiết kiệm ngân sách vỏn vẹn 15 triệu đồng. Mặc dù gói thầu tổ chức rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng chỉ có duy nhất 1 đơn vị dự thầu và trúng thầu sau đó.
Theo phản ánh, một số gói thầu khác tại Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên có tình trạng chỉ 1 đơn vị độc diễn như gói thầu số 1: Mua sắm 4 máy thở xâm nhập và không xâm nhập, Công ty cổ phần Thương mại thiết bị Đại Dương được phê duyệt trúng thầu với giá 2.578.994.000 đồng theo Quyết định số 597QĐ/SYT ngày 03/8/2021 do ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên ký. Giá gói thầu 2.600.000.000 đồng.
Gói thầu có giá trị hơn 2,6 tỉ đồng nhưng tiết kiệm ngân sách vô cùng thấp chỉ 22 triệu đồng. Đây là gói thầu tổ chức rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Thương mại thiết bị Đại Dương nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.
Trước đó, ngày 03/10/2019, lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên kí Quyết định 760/QĐ-SYT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 4: Xây dựng 4 trạm y tế các xã Nghinh Tường, Thần Sa, Vũ Chấn, Sảng Mộc của huyện Võ Nhai cho nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng số II Thái Nguyên (địa chỉ tại tổ 39, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên). Giá trúng thầu là 10.414.205.408 đồng, giá gói thầu là 10.419.460.630 đồng. Loại hợp đồng trọn gói với thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày.
Như vậy, gói thầu hơn 10 tỉ nhưng tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 5 triệu, đạt 0,05%. Đây quả là một con số khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính minh bạch trong đấu thầu?
Để thông tin chính xác khách quan, PV đã có buổi làm việc với ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, ông Hải cho biết, nguyên nhân giá của gói thầu số 1: Mua sắm máy thở chức năng cao có giá cao hơn thị trường là do tại thời điểm dịch đang bùng phát giá cả có sự lên xuống thay đổi lên xuống theo thị trường. Ngoài ra còn yếu tố cách thức vận hành, tính năng chủng loại cấu hình bên trong không giống nhau. Tuy nhiên, PV có đề nghị được cung cấp những hồ sơ liên quan đến gói thầu này, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên từ chối, không cung cấp.
Tại buổi làm việc, ông Hải cũng thừa nhận việc công ty Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE có tham gia thẩm định 1 gói thầu: “Thẩm định giá thuộc kế hoạch mua sắm ô tô cứu thương cho một số đơn vị thuộc Sở Y tế”, theo ông Hải thì Công ty này có đầy đủ hồ sơ, năng lực, pháp lý nên Sở Y tế có lựa chọn để thẩm định giá.
Liên quan đến vấn đề một số gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp và có một nhà thầu tham dự, theo ông Hải thì đấu thầu qua mạng không cấm một nhà thầu tham dự và trúng thầu, còn về giá thì đăng tải trên mạng khá là sát nên chênh lệch tiết kiệm cũng không nhiều.
Việc thực hiện công tác đấu thầu công khai, minh bạch sẽ giúp ngân sách tiết kiệm được những khoản tiền lớn để đầu tư cho các dự án tiếp theo nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua những gói thầu có dấu hiệu bất thường nêu trên tại Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, kính đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vào cuộc làm rõ những vấn đề nêu trên trong đấu thầu.
Theo khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức cá nhân. Trong đó, gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 - 05 năm. Ngoài ra, Điều 124 Nghị định này cũng nêu, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan. Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 quy định về xử lý vi phạm trong đấu thấu như sau: 1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 2. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” như sau: 1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm |
THẾ NGUYỄN