/ Dọc đường tố tụng
/ Cần một bản án công tâm!

Cần một bản án công tâm!

23/03/2021 07:31 |

(LSVN) - Trong đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND Tối cao, ông Võ Linh Vân, ngụ tại phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 (TP. HCM) cho rằng, phán quyết buộc trả lại căn nhà mà gia đình ông đã ở ổn định gần 40 năm cho người khác của 2 cấp Tòa (sơ thẩm và phúc thẩm) là thiếu công bằng và chưa căn cứ đầy đủ theo quy định pháp luật…

Hiện trạng căn nhà.

Đang sống yên ổn thì bị… đòi nhà!

Theo nội dung đơn khiếu nại, ông Vân cho biết, trước năm 1969 gia đình ông gồm: vợ (Nguyễn Thị Đãi), mẹ vợ (Nguyễn Thị Thân), gia đình chị gái (Võ Thị Nhơn), anh rể (Thái Quang Đóa) và các con cháu cùng thuê căn nhà số 156 Bến Chương Dương (nay là 222 Võ Văn  Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) của bà Lê Thị Đôn để ở.

Năm 1969 bà Đôn bán hẳn căn nhà này cho vợ chồng ông Thái Quang Đóa và Võ Thị Nhơn, tất cả những người nêu trên đều vẫn cư trú tại đây. Năm 1979, ông Thái Quang Đóa qua đời, sau đó bà Võ Thị Nhơn cùng các con (toàn bộ gia đình) vượt biên sang Mỹ. Trước khi đi, ngày 05/7/1979 bà Nhơn có làm “Giấy nhượng quyền nhà” (viết tay) cho bà Nguyễn Thị Thân và vợ chồng ông Vân, nội dung ghi rõ: “Được quyền sử dụng để ở và thờ cúng ông bà”.

Từ đó gia đình ông Vân sinh sống ổn định đến nay là gần 40 năm.

Ngày 07/8/2017, gia đình ông Vân bị ông Phạm Hữu Huỳnh (ngụ tại phường 8, quận Phú Nhuận, TP. HCM) khởi kiện đòi nhà vì lý do ông đã mua từ ngày 13/4/2017, có công chứng tại Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Xuân Hoan. Qua tìm hiểu, ông Vân mới biết ngày 06/9/2014, 04 người con của bà Nhơn (qua đời năm 1997) đã khai nhận thừa kế căn nhà trên tại VPCC Bình Thạnh.

Không chấp nhận phán quyết của Tòa Sơ thẩm (tại bản án số 1917/2019/DSST ngày 19/12/2019) và Tòa Phúc thẩm (tại bản án số 577/2020/DS-PT ngày 29/10/2020), gia đình ông Võ Linh Vân đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và cơ quan luật pháp tại TP. Hồ Chí Minh và Trung ương. 

“Việc tòa án chấp nhận thừa kế cho các con bà Nhơn đang định tại Mỹ, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ của họ cho gia đình chúng tôi số tiền 1 tỉ đồng công chăm nom, giữ gìn căn nhà thời gian qua là hết sức thiên vị, thiếu công tâm, chưa nói là có dấu hiệu khuất tất gây thiệt hại đến lợi ích của chúng tôi. Thử hỏi hàng chục năm qua không có chúng tôi thì căn nhà có thể đã bị người khác chiếm hữu hoặc nhà nước quản lý. Theo luật, nếu không có thỏa thuận, Toà phải quyết định cho chúng tôi được hưởng khoản hợp lý ít nhất bằng một suất thừa kế. Tòa lại ghi nhận sự tự nguyện của các thừa kế là phán quyết bất công và triệt tiêu cơ hội để chúng tôi tạo lập chỗ ở mới và không đúng quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015?”, bà Đãi bức xúc nói.

Bà Đãi cũng cho biết, hiện tại vì quá sốc trước vụ việc này, ông Vân đã bị tai biến và nằm liệt một chỗ. 

Gia đình ông Vân đã có hộ khẩu và đóng thuế đầy đủ cho căn nhà.

Việc xét xử đã căn cứ đầy đủ quy định pháp luật? 

Theo Luật sư Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch Công ty Luật Đỗ Cao (TP. Hà Nội) cho biết: “Việc bà Võ Thị Nhơn viết giấy tay giao lại căn nhà cho bà Thân và ông Vân, bà Đãi quản lý là giao dịch dân sự trước năm 1991, khi phát sinh tranh chấp phải căn cứ Nghị quyết 58 ngày 20/8/1998 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khoá 10 để giải quyết (cụ thể khoản 1, 2, 3 Điều 10), nhưng trong hai bản án của hai cấp Tòa án đã không đả động gì đến Nghị quyết này. Căn cứ Nghị quyết này, nếu vợ chồng ông Vân, bà Đãi không đủ diều kiện để được giao quyền sở hữu thì ngôi nhà trên có thể thuộc nhà nước quản lý, không thể giao cho bốn người con bà Nhơn đã định cư tại Mỹ từ sau năm 1979”. 

Cũng theo Luật sư Thắng: “Bản khai nhận di sản thừa kế của 04 người con bà Nhơn ngày 06/9/2014 tại VPCC Bình Thạnh là vô hiệu. Vì theo quy định tại Điều 645 BLDS 2005 (có hiệu lực vào thời điểm đó), nay là Điều 623 BLDS 2015, thời hiệu yêu cầu khai nhận thừa kế là 10 năm kể từ khi mở thừa kế. Trong khi chủ sở hữu căn nhà ông Đóa đã qua đời năm 1979 còn Bà Nhơn cũng đã qua đời năm 1997 mà mãi đến năm 2014 mới khai nhận thừa kế, tổng thời gian khoảng 17 năm, như vậy đã hết thời hiệu. Do đó, việc dịch mua bán giữa ông Phạm Hữu Huỳnh và các thừa kế của bà Nhơn là chưa đủ cơ sở pháp luật”.

Xét về quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Vân, Luật sư Thắng chia sẻ: “Theo quy định tại Điều 618 BLDS năm 2015: Người quản lý di sản được hưởng thù lao theo thỏa thuận, được thanh toán chi phí bảo quản. Trường hợp không thỏa thuận được với các thừa kế mức thù lao, thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý. Nếu có thỏa thuận của các bên thì Tòa ghi nhận, nếu không có thỏa thuận thì Tòa quyết định, Tòa không thể ghi nhận ý kiến của một bên (việc này cũng có thể coi là áp đặt). Do đó, gia đình ông Vân khiếu nại đòi được hưởng đầy đủ quyền lợi bằng 1 suất thừa kế là nguyện vọng chính đáng cần phải xem xét lại để đảm bảo sự công bằng cho những người đã có công gìn giữ căn nhà”. 

Trên thực tế, từ năm 1979 đến nay, ông Vân cùng vợ và các con đều đã có hộ khẩu ổn định tại địa chỉ trên và không hề có sự tranh chấp nào. Bản thân vợ chồng ông Vân đã chấp hành tốt việc kê khai, nộp thuế đất hàng năm cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tại địa phương theo quy định nhà nước với tư cách là chủ sở hữu căn nhà. Điều này cho thấy, những lý do ông Vân, bà Đãi nêu ra để yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét lại 02 bản án nói trên là nguyện vọng chính đáng.

NGUYỄN MAI

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có được tính khấu hao?

Lê Minh Hoàng