Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ảnh minh họa.
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua hơn 12 năm thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Duy trì, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, qua đó còn kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các TCTD hiện đã phát sinh bất cập.
Đồng thời, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động, xử lý các TCTD yếu kém, hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại TCTD phát sinh trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; có công cụ kiểm soát của Chính phủ; tăng cường các biện pháp thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm cả quản lý, phê duyệt nhân sự quản trị điều hành của TCTD...
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được bố cục gồm 11 chương, 200 Điều.
VĂN QUANG
Đề xuất người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh