LSVNO - Hiện nay, trong giao dịch dân sự, có nhiều người dân vẫn thường lúng túng và nhầm lẫn giữa công chứng và chứng thực hay chứng thực bản sao với sao y bản chính, cũng như không biết khi nào phải côngchứng, khi nào phải chứng thực.
Ở Việt Nam, ngay từ khi công chứng được xã hội hóa đến nay đã thực sự trở thành dịch vụ cần thiết và ngày càng phát triển… Đặc biệt ở các thành phố lớn, nhu cầu công chứng của mỗi người dân cũng ngày càng cao. Qua đó, công chứng là việc Công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Ảnh minh họa.
Theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định một thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khá đơn giản cho chứng thực tất cả các loại hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, xuất trình hồ sơ hợp lệ (người yêu cầu chứng thực nộp một bộ hồ sơ, trong đó, có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực); kiểm tra hồ sơ (người thực hiện chứng thực tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người yêu cầu chứng thực, nếu hợp lệ thì thực hiện chứng thực); thực hiện chứng thực (người thực hiện chứng thực yêu cầu các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt mình, ghi lời chứng, ký tên đóng dấu) và trả kết quả chứng thực, thu lệ phí chứng thực.
Còn theo Luật Công chứng, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có hai loại là hợp đồng: giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo. Trong đó, người yêu cầu công chứng lập một bộ hồ sơ (có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực); Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng (trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng); Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch và trả kết quả công chứng, thu phí công chứng.
Một điểm đáng lưu ý, công chứng hợp đồng, giao dịch thuộc tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng) thực hiện. Chứng thực hợp đồng, giao dịch được thực hiện tại Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã.
Về người thực hiện, công chứng là hoạt động do Công chứng viên thực hiện; hay nói cách khác chủ thể thực hiện hoạt động công chứng chỉ là Công chứng viên. Còn chứng thực do Trưởng phòng, Phó trưởng phòng của Phòng Tư pháp hoặc Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp xã thực hiện.
Xét về trách nhiệm, người thực hiện chứng thực và công chứng viên cũng hoàn toàn khác nhau. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung); về toàn bộ hợp đồng, giao dịch được công chứng và họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc mà họ đã công chứng. Riêng đối với người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Lưu ý, người thực hiện chứng thực sẽ không chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).
Hiện nay, phí chứng thực hợp đồng, giao dịch được quy định tại Thông tư số 226/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực ngày 1/1/2017, quy định 3 loại phí gồm: phí chứng thực bản sao từ bản chính; phí chứng thực chữ ký; phí chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo Ths Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam), cho biết: “Công chứng và chứng thực là hai hoạt động khác biệt, cần có sự phân biệt rõ ràng đối với hai loại hình này. Điều này sẽ giúp cho cá nhân, tổ chức có được sự lựa chọn chính xác và đảm bảo thực hiện đúng các giao dịch, hợp đồng theo quy định của pháp luật”.
Ths Nguyễn Thế Anh cho biết thêm, trước hết, công chứng là việc Công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (theo khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng năm 2014). Còn căn cứ Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì chứng thực được xem xét ở hai khía cạnh như: chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính hoặc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Chứng thực là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch.
Với những phân biệt nêu trên, hy vọng mọi người dân cần nhận định rõ ràng và hình dung nhất định về hai hoạt động này về sử dụng nghiệp vụ công chứng, chứng thực hợp lý khi có hợp đồng, giao dịch cần được chứng thực, công chứng nhằm tránh nhầm lẫn cũng như những việc bất khả kháng khi cần thiết.
Giang San – Tuấn Hải
Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch); tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Theo Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch: “Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính; Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch…”.