Cần siết chặt công tác quản lý đối với thị trường hàng xách tay

28/04/2023 18:38 | 1 năm trước

(LSVN) - Đã đến lúc cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện ra những trường hợp bán hàng lậu trong hoạt động kinh doanh truyền thống, trên nhiều tuyến phố ở các thành phố lớn và trên mạng internet đối với hình thức bán hàng online, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử. Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát này, cơ quan chức năng có thể phát hiện ra nguồn hàng, những hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới với số lượng lớn, hoạt động chuyên nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vụ việc các “tiếp viên hàng không xách ma túy”, đến ngày 26/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 22 vụ án, khởi tố bị can 65 đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm; xử lý vi phạm hành chính 12 đối tượng; thu giữ gần 50kg ma túy tổng hợp các loại, cùng 2 khẩu súng và nhiều tang vật khác có liên quan…

Có thể thấy, hiện nay thị trường hàng xách tay vẫn đang được “thả nổi”. Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, việc xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Bất kỳ quốc gia nào cũng có quy định về việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về hành vi vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới. Người nào không tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa qua biên giới sẽ được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như sau:

- Có hóa đơn chứng từ kèm theo rõ ràng;

- Không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép);

- Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định;

- Hàng hóa có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật...

Như vậy, để xác định những hàng hóa được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam để sử dụng theo diện mang theo người hay còn gọi là "hàng hóa xách tay", hợp pháp, được phép tiêu dùng, tặng cho cần phải thuộc những trường hợp trên.

Luật sư Cường cũng lưu ý: Pháp luật Việt Nam quy định lượng hàng hóa mang theo người, giá trị hoàn hóa mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam. Do đó, không phải người nhập cảnh vào việt nam muốn mang bao nhiêu hàng hóa cũng được, nó sẽ phụ thuộc vào khối lượng, giá trị và bản chất pháp lý của từng loại hàng hóa.

Trong nhiều trường hợp, hàng hóa xách tay hợp pháp vẫn phải khai báo hải quan. Việc khai báo hải quan với hàng hoá xách tay sẽ được thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh như sau: Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.

Theo đó, người nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.

Về mức miễn thuế theo Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh như sau:

- Rượu từ 20 độ trở lên 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia 3,0 lít.

- Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi 250 gam hoặc xì gà 20 điếu;

- Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;

- Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam.

Như vậy, nếu không thuộc trường hợp vượt định mức hành lý miễn thuế thì phải khai hải quan nếu không sẽ bị xem là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó,tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập lậu bao gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Như vậy, đối với các loại hàng hóa mà pháp luật quy định không được phép nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc các loại hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam nhưng phải tuân thủ quy định về khai báo hải quan, dán tem nhập khẩu hoặc quy định hạn chế về số lượng mà các cá nhân, tổ chức không tuân thủ vẫn cố ý mang về Việt Nam thì đây được xác định là hàng nhập lậu, người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Buôn lậu” hoặc tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.

Hành vi kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ,  không có tem nhập khẩu (đối với loại hàng hóa bắt buộc phải dán tem nhập khẩu) hoặc không có nguồn gốc thì tùy thuộc vào từng loại hàng hóa, số lượng hàng hóa, giá trị hàng hóa mà tổ chức cá nhân kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:

"Điều 15. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên".

Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị xử lý hình sự về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Theo Luật sư Cường, những năm gần đây hoạt động mua bán hàng xách tay diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội và trên không gian mạng, là môi trường lý tưởng để tiếp tay cho hành vi nhập lậu hàng hóa, buôn lậu diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn, diễn biến phức tạp hơn.

“Đã đến lúc cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện ra những trường hợp bán hàng lậu trong hoạt động kinh doanh truyền thống, trên nhiều tuyến phố ở các thành phố lớn và trên mạng internet đối với hình thức bán hàng online, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử. Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát này, cơ quan chức năng có thể phát hiện ra nguồn hàng, những hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới với số lượng lớn, hoạt động chuyên nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc đấu tranh với hàng xách tay là loại hàng lậu có thể phát hiện ra những đường dây buôn lậu hoạt động nhiều năm, quy mô lớn, cũng có thể phát hiện ra những cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay cho hành vi buôn lậu diễn ra trong nhiều năm qua. Việc xử lý đối với hàng lậu sẽ góp phần lành mạnh thị trường, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chân chính. Xử lý đối với hàng xách tay lậu cũng sẽ góp phần làm minh bạch thị trường, đảm bảo công bằng và tránh thất thu thuế cho nhà nước”, Luật sư Cường kiến nghị.

TIẾN HƯNG

Người dân cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng vận chuyển trái phép ma túy