/ Luật sư trực ban
/ Cần sớm có giải pháp để kiểm soát, giảm nhiệt giá xăng

Cần sớm có giải pháp để kiểm soát, giảm nhiệt giá xăng

24/02/2022 10:29 |

(LSVN) - Nếu giá nhiên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng cao, áp lực của các doanh nghiệp lại càng gia tăng. Với vấn đề giá xăng dầu tăng cao, Luật sư kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần phải có giải pháp tổng thể để kiểm soát, giảm nhiệt giá xăng, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, bình ổn hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế.

Ảnh minh họa.

Pháp luật quy định như thế nào về bán đấu giá xăng dự trữ quốc gia?

Liên quan đến việc Bộ Công thương đang xin ý kiến các Bộ về kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia, giá khởi điểm 14.058 đồng/lít. Theo đó, tài sản bán đấu giá là 1 lô hàng dự trữ quốc gia bao gồm: 101.976.121 lít xăng RON92 ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản (số liệu thời điểm ngày 31/12/2021).

Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia 2012, hàng dự trữ quốc gia là vật tư, thiết bị, hàng hóa trong Danh mục hàng dự trữ quốc gia do Nhà nước quản lý, nắm giữ để sử dụng vào mục tiêu dự trữ quốc gia. Theo đó thì xăng dầu là nhiên liệu thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Hàng dự trữ quốc gia phải được quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu của dự trữ quốc gia. Hàng dự trữ quốc gia sau khi xuất phải được bù lại đủ, kịp thời. Về nguyên tắc bảo quản, hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng đúng địa điểm quy định, bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật và hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, bảo đảm về số lượng, chất lượng, an toàn. Hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, giảm chất lượng trong quá trình bảo quản phải được phục hồi hoặc xuất bán kịp thời để hạn chế thiệt hại. Việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo kế hoạch, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia cũng được thực hiện hằng năm. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 44 Luật Dự trữ quốc gia 2012 cũng quy định ba phương thức bán hàng dự trữ quốc gia là: bán đấu giá, bán chỉ định, bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng. Điểm g khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia. 

Theo đó, bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá. Trường hợp đấu giá không thành thì đơn vị được giao nhiệm vụ bán hàng dự trữ quốc gia báo cáo Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng.

Điều 15 Thông tư 89/2015/TT-BTC hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định kế hoạch bán đấu giá được lập cho toàn bộ số lượng, khối lượng hàng dự trữ quốc gia xuất bán trong năm kế hoạch hoặc theo từng quyết định giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền cho từng nhóm hàng, mặt hàng cụ thể.

Về thẩm quyền bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia, Điều 16 Thông tư 89/2015/TT-BTC quy định: Đối với hàng dự trữ quốc gia do Bộ, ngành quản lý thì Thủ trưởng Bộ, ngành hoặc người được Thủ trưởng Bộ, ngành phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật phê duyệt kế hoạch bán đấu giá; quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong đấu giá.

Như vậy, nhiên liệu là hàng dự trữ quốc gia do Bộ Công thương quản lý theo Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ do đó thẩm quyền bán đầu giá xăng dầu thuộc về Bộ Công thương. Theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia thì Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia, kế hoạch dự trữ quốc gia hàng năm.

"Vì vậy nếu việc bán đấu giá xăng RON92 của Bộ Công thương phù hợp với công tác nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia hoặc phù hợp với kế hoạch, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia thì việc Bộ Công Thương xin ý kiến Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với kế hoạch bán đấu giá xăng RON92 dự trữ quốc gia là phù hợp quy định pháp luật", vị Luật sư nói.

Cần phải xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ mạng lưới phân phối xăng dầu

Theo Luật sư Lam, về vấn đề Bộ công thương lên kế hoạch bán đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia trong bối cảnh giá xăng tăng giá và nhiều cửa hàng xăng dầu trên cả nước thiếu nguồn cung cục bộ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu nguồn cung xăng dầu đang khan hiếm? Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thì việc sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia bổ sung nguồn cung để bình ổn thị trường là điều cần thiết. Tuy nhiên cũng không ngoại trừ trường hợp việc bán đấu giá xăng dầu của Bộ Công thương chỉ là đảo hàng dự trữ theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia. 

"Nếu giá nhiên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng cao, áp lực của các doanh nghiệp lại càng gia tăng. Với vấn đề giá xăng dầu tăng cao, thiết nghĩ Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần phải có giải pháp tổng thể để kiểm soát, giảm nhiệt giá xăng, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, bình ổn hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế", Luật sư chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, Luật sư kiến nghị cần phải xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ mạng lưới phân phối xăng dầu trên cả nước. Thời gian qua mạng lưới này đã bộc lộ những vấn đề bất cập, số lượng doanh nghiệp được cấp phép để tham gia thị trường ngày càng nhiều, về nguyên lý sẽ giúp thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Tuy nhiên tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kém chất lượng vừa qua được phát hiện, những rối ren trong cung cầu, giá cả thời gian gần đây, cho thấy rõ khi có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng quản lý nếu thiếu tính chặt chẽ thì chỉ làm cho thị trường rối loạn, kém hiệu quả và minh bạch. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

HỒNG HẠNH

Đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia: Có phù hợp với quy định của pháp luật?

Lê Minh Hoàng