Ảnh minh họa.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, thêm vào đó là các loại dịch bệnh khác đang nổi lên như là dịch đậu mùa khỉ, dịch sốt xuất huyết hay là cúm A, nguy cơ dịch chồng dịch là rất phức tạp. Ở một số địa phương tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 chưa đạt được tỷ lệ như yêu cầu. Trong bối cảnh đó thì lực lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là ở tuyến cơ sở qua 2 năm chống dịch rất căng thẳng vừa qua đã chịu áp lực rất lớn.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, áp lực và các yếu tố khác, tình trạng nhân viên y tế ở trong các cơ sở y tế công lập, nhất là ở tuyến huyện, tuyến xã xin nghỉ việc tương đối nhiều. Theo báo cáo gần đây nhất của Công đoàn y tế Việt Nam, số liệu tính từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số hơn 9000 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có những áp lực công việc, căng thẳng, những vấn đề về mua sắm thuốc thang khó khăn, tình trạng đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân viên y tế ở các bệnh viện, các cơ sở y tế chưa được quan tâm đúng mực. Tuy nhiên, nổi lên một vấn đề lớn là chế độ lương và phụ cấp đối với nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, ở các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là ở cơ sở, chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước, còn nguồn thu đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng không lớn. Một bác sĩ sau 6 năm học, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập, lương tháng tính theo đúng chế độ nhà nước khi mới bắt đầu làm việc khoảng 5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập như vậy là không đủ sống, nhất là sau khi trừ nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, cũng đang có chênh lệch lớn về thu nhập tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, áp lực công việc nặng nề cũng tạo ra một luồng hút nhân viên y tế từ các đơn vị sự nghiệp công lập sang khu vực khác.
Để khắc phục tình trạng này, công đoàn y tế đã đề xuất sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn để thu hút được nhân viên y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị xem xét từng bước, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để bù đắp lại, tăng thu nhập cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị xem xét điều chỉnh mức định biên chế đối với y tế tuyến cơ sở. Bởi vì, định mức biên chế đối với các cơ sở y tế ở cơ sở áp dụng từ năm 2007, cho nên rất thấp, số người làm việc ở các cơ sở y tế không đủ và cũng tạo ra áp lực rất lớn...
PV