/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần Thơ: Khiếu nại Giám đốc thẩm vụ án đầu tiên xét xử vắng mặt đương sự để phòng, chống dịch Covid-19

Cần Thơ: Khiếu nại Giám đốc thẩm vụ án đầu tiên xét xử vắng mặt đương sự để phòng, chống dịch Covid-19

15/09/2021 03:49 |

(LSVN) - Để phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã quyết định xét xử vắng mặt đương sự gồm đại diện bị hại và đại diện bị đơn dân sự, có kháng cáo trong vụ án hình sự phúc thẩm Nguyễn Chánh Thẩm về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” mà trước đó Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều đã xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo 01 năm 6 tháng tù theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đồng thời, buộc bị đơn dân sự bà La Thị Cẩm Hoa bồi thường cho đại diện người bị hại – Lâm Nam Quang số tiền 218.320.000 đồng.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, anh Lâm Nam Quang kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng mức bồi thường thiệt hại về vật chất đối với bị đơn dân sự. Bị đơn dân sự, bà La Thị Cẩm Hoa kháng cáo, không đồng ý bồi thường mà buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại.

Ngày 30/8/2021, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vắng mặt hai người kháng cáo. Tại phiên Tòa phúc thẩm chỉ có Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát thành phố Cần Thơ và hai Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại. 

Bản án phúc thẩm số 61/2021/HS-PT đã tuyên: Bác toàn bộ kháng cáo của của đại diện bị hại và bị đơn dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm (có bổ sung điều luật áp dụng).

Công nhận tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Chánh Thẩm tự nguyện bồi thường riêng cho gia đình bị hại 100.000.000 đồng ngoài số tiền mà bị đơn dân sự phải bồi thường theo bản án sơ thẩm có khấu trừ 30.000.000 đồng mà gia đình bị cáo đã nộp trong giai đoạn điều tra.

Sau khi bản án phúc thẩm tuyên, anh Lâm Nam Quang, đại diện bị hại khi nhận được bản án ngày 12/9/2021 đã có đơn khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.

Theo anh Quang, bản án phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về việc xét xử vắng mặt người kháng cáo trong đó có anh. Đơn đề nghị khiếu nại Giám đốc thẩm nêu: “Tôi là đại diện cho bị hại kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Chánh Thẩm nhưng Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xử vắng mặt tôi là không đúng quy định tại Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, điều luật quy định tại điểm b khoản 1: “Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự”.

Anh Quang kháng cáo tăng án đối với bị cáo nhưng Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ bác kháng cáo này của anh, trong khi anh vắng mặt theo quyết định của Tòa án để “phòng chống dịch Covid-19”, Hội đồng xét xử lại tuyên bản án không có lợi cho anh là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sự vắng mặt của đại diện bị hại và bị đơn dân sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thẩm vấn nội dung kháng cáo (thực tế là không thẩm vấn). Từ đó, việc xét xử có thể không chính xác, khách quan nên anh khiếu nại đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét để kháng nghị bản án số 61/2021/HS-PT của Tòa án nhân dân thành Cần Thơ theo thủ tục Giám đốc thẩm: “Yêu cầu hủy phần hình sự của bản án này để xét xử lại có mặt người kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Thực tiễn từ vụ án này đặt ra việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự sắp tới khi sửa đổi, bổ sung theo kế hoạch xây dựng pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, cần thiết quy định rõ ràng, đầy đủ trình tự thủ tục xét xử vắng mặt, xét xử trực tuyến của Tòa án nhân dân các cấp trong điều kiện “bất khả kháng” để Tòa án không lúng túng khi thực hiện, hạn chế việc kháng cáo, đề nghị Giám đốc thẩm các bản án liên quan đến việc xét xử vắng mặt và xét xử trực tuyến.

NGUYỄN THÀNH - HỒNG THỦY

Giáo viên tăng cường phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ học sinh học trực tuyến

Lê Minh Hoàng