Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông đi chung với người phụ nữ đến siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza trên đường Tôn Dật Tiên (phường Tân Phong, quận 7) đã to tiếng cự cãi với một bảo vệ an ninh siêu thị này vì không mua được thực phẩm.
Cụ thể, trong clip, người đàn ông liên tục thách thức, quát tháo, dọa nạt rồi tự nhận mình là người bên “Ban chỉ đạo”... dọa người bảo vệ siêu thị.
Ngay sau khi đoạn clip được lan truyền trên mạng cơ quan chức năng quận 7 đã vào cuộc xác minh và cho biết, người đàn ông trên đi vào mua thực phẩm nhưng siêu thị không đồng ý bán mà chỉ chỉ đồng ý bán theo đơn đặt hàng vì đang trong thời điểm gian đoạn giãn cách xã hội. Do không mua được hàng nên người này kiếm chuyện như đoạn clip đăng tải.
Bên cạnh đó, Công an quận 7 cũng đã mời người đàn ông trong đoạn clip đến làm việc. Bước đầu người đàn ông này cho biết tên là Hồ Hữu Nhân, ngụ tại Khu dân cư Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Ngày 21/7, người này được một tổ chức thiện nguyện tại Hà Nội cấp thẻ công tác tình nguyện viên để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ngày 29/8, trong lúc cự cãi, người này đã giơ thẻ tình nguyện viên ra để hù dọa nhân viên, bảo vệ và tự xưng người của “Ban chỉ đạo quận 7”.
Hiện, Công an quận 7 đang tiếp tục làm rõ và sẽ có hướng xử lý đối với trường hợp trên.
Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành động của người đàn ông trên tại siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza (phường Tân Phong, quận 7) là hành vi rất đáng lên án trong bối cảnh dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh đang diễn biến hết sức phức tạp.
"Điều đáng nói là người này là một tình nguyện viên tham gia hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì đáng ra càng phải thấu hiểu hơn về nghĩa vụ phòng chống dịch và bình tĩnh xử lý vấn đề của bản thân trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh như hiện tại. Tuy nhiên, trái lại người đàn ông này lại hung hăng, thậm chí còn mạo danh là thành viên nằm trong ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 để cố tình dọa nạt…", Luật sư Khuyên nói.
Không chỉ dọa nạt, cự cãi người đàn ông còn mở khẩu trang ở nơi đông người, thách thức bảo vệ chụp hình. Cơ quan chức năng cũng cho biết là đã nắm được sự việc. Lực lượng chức năng khẳng định người đàn ông trong clip không phải cán bộ thuộc ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở địa phương. Đây là việc mạo danh. Theo đó, Luật sư Khuyên cho biết từ việc mạo danh và hành vi gây náo loạn siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza của người đàn ông trên trong thời điểm giãn cách xã hội cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, xử lý một cách nghiêm khắc tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Cụ thể, theo Luật sư, căn cứ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế, thì người đàn ông này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không đeo khẩu trang nơi công cộng” cụ thể ông này đã mở khẩu trang và thách thức bảo vệ chụp hình. Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đối với hành vi này.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Xử lý vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối với hành vi làm náo loạn, chửi bới tại nơi công cộng xảy ra tại siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza; mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu hậu quả nghiêm trọng đối tượng này có thể bị xử về tội "Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
Còn đối với hành vi mạo danh, xưng là thành viên nằm trong ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của quận 7, thì cơ quan chức năng sẽ xem xét động cơ – mục đích đối với việc mạo danh của người đàn ông này là gì?. Nếu cơ quan chức năng xác định được việc mạo danh nhằm mục đích để lừa đảo hoặc gây mất uy tín danh sự của tổ chức sẽ xem xét trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự đối với hành vi này của đối tượng.
"Để hạn chế tình trạng trên, chúng ta rất cần thực hiện một số biện pháp như: Người dân, các cơ quan, tổ chức khi phát hiện đối tượng không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh, cản trở hoặc gây mất trật tự công cộng thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra. Các đối tượng có dấu hiệu mạo danh cá nhân, tổ chức thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xác minh làm rõ động cơ, mục đích của việc mạo danh là gì để có chế tài xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cũng cần công bố công khai danh sách cán bộ, nhân viên trên cổng website điện tử để người dân có thể đối chiếu, xem xét tránh trường hợp bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo và thực hiện các hành vi vi phạm khác", Luật sư Hà Thị Khuyên bày tỏ quan điểm.
TRẦN MINH