/ Luật sư trực ban
/ Cần xử lý nghiêm xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh

Cần xử lý nghiêm xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh

14/05/2022 10:50 |

(LSVN) - Cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để xử lý đối với các hành vi vi phạm. Với những người giả danh thương binh để sử dụng xe ba gác gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì cần phải có những chế tài nghiêm khắc.

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản 1370/UBND-TH gửi Công an thành phố; Sở Giao thông Vận tải; UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông.  

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ việc vi phạm trật tự, an toàn giao thông liên quan đến xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cổng kềnh, gây hậu quả nghiêm trọng. Thành phố Hà Nội đã tiến hành xử phạt, thu hồi một số xe tự chế... Tuy nhiên trên thực tế, do mưu sinh, nhiều chủ xe tự chế có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc diện đối tượng chính sách nên vẫn được phép hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu. Một số người không thuộc đối tượng trên vẫn đóng xe tự chế để lén lút hoạt động vào thời điểm vắng lực lượng chức năng, gây nguy hiểm cho người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Trước đó, ngày 08/5, xe bus mang biển 29B-193.63 đang chở theo nhiều hành khách di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, hướng từ quận Thanh Xuân đi quận Hà Đông, Hà Nội xảy ra va chạm với xe ba bánh tự chế chạy ngược chiều, gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Cần xử lý nghiêm đối với các xe ba gác giả danh thương binh

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, theo quy định của pháp luật thì xe tự chế loại ba bánh, bốn bánh ở Việt Nam đã bị nghiêm cấm sử dụng từ đầu năm 2008. Cụ thể, mục 2 Nghị quyết 32/2007/NQ-CP quy định như sau: "Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định những hành vi bị cấm khi tham gia giao thông đường bộ, trong đó có hành vi: "Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các xe tự chế đã bị cấm hoàn toàn từ ngày 01/01/2008 nên việc sử dụng các xe tự chế là hoàn toàn bị cấm và vi phạm pháp luật.

Với người sử dụng xe tự chế tham gia giao thông thì tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể nếu hành vi chưa gây ra tai nạn giao thông thì người sử dụng xe tự chế sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt khi sử dụng xe tự chế tham gia giao thông được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt xe tự chế như sau:

“Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông".

Tại điểm n khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã thay cụm từ “800.000 đồng đến 1.000.000 đồng” bằng cụm từ “2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng” tại tên khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP trên.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sử dụng xe tự chế sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra người nào điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

Hành vi sử dụng xe tự chế tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, bởi vậy nếu trường hợp sử dụng xe tự chế tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, đi vào đường cấm gây hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, với hình phạt đến 15 năm tù.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

"Có thể thấy xe ba gác, xe tự chế tham gia giao thông hiện nay là không phù hợp với quy định của pháp luật. Người sử dụng xe ba gác, xe tự chế ba bánh, bốn bánh tham gia giao thông mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm rủi ro cho những người tham gia giao thông khác, rất dễ gây ra tai nạn giao thông. Vì vậy cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để xử lý đối với các hành vi vi phạm. Với những người giả danh thương binh để sử dụng xe ba gác gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì cần phải có những chế tài nghiêm khắc", Luật sư Cường bày tỏ.

TIẾN HƯNG

Vụ cướp ngân hàng tại Hải Phòng: Đối tượng chưa cướp được tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Lê Minh Hoàng