Đồ họa dựng tàu khai thác dầu Bay du Nord. Ảnh: AFP.
Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Steven Guilbeault thông báo đề xuất dự án khai thác dầu của công ty Na Uy Equinor tại khu vực Flemish Pass Basin cách thành phố St. Johns (Canada) 500 km về phía Đông đã vượt qua bài đánh giá về tác động đến môi trường. Nhà chức trách nhấn mạnh sau 4 năm xem xét và đánh giá, dự án Bay du Nord được kết luận là “không có khả năng gây ra các tác động xấu đến môi trường khi các biện pháp giảm thiểu đã được tính đến. Dự án được phép triển khai, tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường”. Hiện Canada là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới.
Bay du Nord, dự án gây chia rẽ trong Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau, được nhiều người coi là phép thử cho quyết tâm của chính phủ trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và cắt giảm sản lượng dầu. Dự án này được dự đoán sẽ mang lại nguồn thu ước tính 3,5 tỉ USD cho Chính phủ Canada. Bên cạnh đó, đối với tỉnh Newfoundland – nơi có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước, dự án cũng được nhìn nhận như một cú thúc đẩy kinh tế cần thiết.
Bộ Môi trường cho hay chính quyền Ottawa đã đặt ra 137 điều kiện ràng buộc đối với dự án, bao gồm kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sống của cá và đảm bảo chất lượng không khí. Tuy nhiên, quyết định vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các tổ chức môi trường. Các tổ chức lưu ý cảnh báo của Liên hợp quốc cần phải ngừng ngay việc khai thác các nguồn dầu mỏ mới hoặc không khí hậu sẽ chịu những tác động thảm khốc. “Phê duyệt dự án Bay du Nord là một bước tiến khác hướng tới một tương lai không thể sống được”, nhà môi trường học Julia Levin bày tỏ.
Patrick Bonin, nhà vận động về khí hậu của Greenpeace Canada, cho biết nhiên liệu hóa thạch cần phải được loại bỏ càng sớm càng tốt và quyết định phê duyệt Bay du Nord "chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và sự phụ thuộc toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch đang đốt cháy hành tinh”.
Đảng Dân chủ Mới (NDP) cáo buộc Đảng Tự do chỉ quan tâm đến "các đối tác trong lĩnh vực dầu khí thay vì lắng nghe các nhà khoa học khí hậu”. “Chúng ta là quốc gia duy nhất trong nhóm các nước G7 tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm. Với dự án Bay du Nord, không khó để hình dung việc này sẽ tiếp diễn trong tương lai”, đảng NDP tuyên bố.
Trước đó, việc đưa ra quyết định về dự án đã bị trì hoãn 2 lần, sau khi vào năm ngoái, chính phủ của Tổng thống Trudeau thúc đẩy mục tiêu của Thỏa thuận khung Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm giảm 40-45% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005 trước năm 2030. Bộ trưởng Guilbeault, “cánh tay phải” của Tổng thống Trudeau được chọn để đưa ra các chính sách khí hậu của Canada, lập luận rằng với công nghệ mới, lượng khí thải của giàn khoan dầu nổi trên biển dự kiến tạo ra ít hơn 5 lần so với các mỏ dầu thông thường ở Canada. Vị quan chức khẳng định nó phù hợp với chiến lược khí hậu của Ottawa và "là một hình mẫu về con đường sản xuất năng lượng với cường độ phát thải thấp nhất có thể”.
TTXVN
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu lớn, viện trợ 13,6 tỉ USD cho Ukraine