Ảnh minh họa.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) việc thực hiện chuỗi nội dung "Điểm tin tuần" là một trong những biện pháp góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến cho người dân, giúp họ nhận diện được các hình thức lừa đảo cũng như biết cách tự bảo vệ mình trên mạng.
Theo đó, trong tuần từ ngày 04/12 đến ngày 10/12, có 05 thông tin nổi bật về các hình thức cũng như những tình huống lừa đảo xảy ra trên không gian mạng Việt Nam mà Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị tới người dân như sau:
Bị lừa gần 60 triệu đồng vì cung cấp mã OTP
Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, sau khi hoàn tất thủ tục mở thẻ ghi nợ tại phòng giao dịch 01 ngân hàng, một người dân ở TP. Hồ Chí Minh đã nhận được cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu cung cấp mã OTP (mật khẩu xác nhận giao dịch) để xác nhận và hẹn ngày nhận thẻ. Ngỡ là cuộc gọi của nhân viên ngân hàng vì vừa hoàn thành giao dịch mở thẻ, người dùng này đã thực hiện theo hướng dẫn. Ngay sau đó, tài khoản của nạn nhân đã bị trừ gần 60 triệu đồng.
Từ trường hợp người dùng bị đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa chiếm đoạt tài sản kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân; cần xác minh danh tính của người gọi bằng nhiều cách khác nhau. Người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân cho bên thứ ba.
Lừa bán phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng
Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương vừa bắt giữ hội nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức quảng cáo, rao bán phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại.
Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn theo dõi cuộc sống riêng tư của những người thân hoặc các mối quan hệ xã hội, các đối tượng đã dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền và đăng nhập vào phần mềm nghe lén nhưng thực tế lại nhằm mục đích đánh cắp thông tin rồi chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, đối tượng còn lập ra các tài khoản mạng xã hội giả danh các công ty công nghệ, chạy các clip quảng cáo tự cắt ghép, dàn dựng để lừa bán phần mềm.
Qua lời kể của một nạn nhân, vì nghi ngờ người chồng của mình không chung thủy, chị đã lên mạng tìm mua phần mềm nghe lén nhằm đọc trộm tin nhắn điện thoại của chồng. Tại đây, đối tượng thể hiện sự nhiệt tình tư vấn nhưng lại nhiều lần yêu cầu chuyển các loại phí: Phí sử dụng phần mềm, phí sử dụng gói cước một năm, phí bẻ khóa mật khẩu; khiến nạn nhân nghi ngờ và phát hiện.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cho biết, việc tự ý mua, bán và sử dụng những phần mềm, thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật; có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy tố hình sự. Việc xử phạt không chỉ áp dụng với các đối tượng kinh doanh, cung cấp thiết bị trái phép mà còn là người mua và sử dụng thiết bị.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân nên tìm hiểu và theo dõi các chuyển biến của các hình thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, để có thể chủ động đối phó trước mọi tình huống; Tuyệt đối không vì hiếu kỳ mà tìm mua những sản phẩm, thiết bị nêu trên; không mua các sản phẩm, thiết bị trôi nổi, giá rẻ nhập lậu giá rẻ để tránh bị các đối tượng xấu theo dõi, đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân và xâm phạm đời sống riêng tư.
Cảnh giác các “ma trận” giảm giá dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm diễn ra của hàng loạt các chiến dịch và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Do đó, người tiêu dùng thường có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo dựng lên những kịch bản như rao bán hàng kém chất lượng với giá rẻ, gửi tặng quà hay tổ chức các chương trình trúng thưởng... để chiếm đoạt tài sản.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng đồng thời lợi dụng thời điểm cuối năm, đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mới và hứa hẹn hấp dẫn, nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi tặng quà.
Tại đây, đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng nhiều khoản phí để tham gia và bảo đảm sẽ được nhận lại tiền và quà tặng. Tuy nhiên, càng về sau số tiền càng lớn, với mong muốn lấy lại số tiền trên, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân tải các ứng dụng độc hại về điện thoại nhằm chiếm quyền điều khiển và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng. cài các app trên điện thoại để lấy lại những số tiền mà chúng ta đã bỏ ra.
Cục An toàn thông tin cũng đưa ra khuyến cáo tới người dân phải đặc biệt chú ý khi tham gia bất kỳ một chương trình trúng thưởng hay khuyến mãi tặng quà nào trên mạng xã hội; chỉ nên tham gia các chương trình đã có xác nhận đăng ký với Bộ Công thương.
Ngoài ra, người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín và đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước. Trước khi tiến hành đặt mua bất kỳ mặt hàng nào trực tuyến, người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá cả sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các thắc mắc.
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu sang Canada
Thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng.
Các đối tượng lừa đảo giả danh các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao tại Canada, tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng gọi điện trực tiếp hoặc nhắn tin qua email; sử dụng Whatsapp hoặc Viber gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh. Để xác nhận uy tín, đối tượng còn gửi chứng nhận ngân hàng, chứng nhận nộp thuế và giả mạo con dấu doanh nghiệp. Sau đó trao đổi mặt hàng, biên soạn và gửi hợp đồng với kí dấu đóng đầy đủ.
Tuy nhiên, đến giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ gửi bản mẫu một số loại chứng nhận, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện xác nhận vì đây là yêu cầu bắt buộc của Chính phủ Canada trước khi chuyển tiền. Thương vụ khẳng định, trường hợp trên hoàn toàn là hành vi lừa đảo, bởi, các doanh nghiệp Canada nhập khẩu thường sẽ trực tiếp đứng ra thực hiện thủ tục và chứng chỉ của Canada.
Theo Cục an toàn thông tin, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần đặc biệt lưu ý và cảnh giác trước các lời đề nghị từ những doanh nghiệp nước ngoài. Thương vụ sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về sự thay đổi thị trường, các cảnh báo và hướng dẫn cho doanh nghiệp trên trang web thông tin song ngữ chính thống.
Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Thương vụ trong xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng, yêu cầu đối tác cung cấp các thủ tục, giấy tờ có công chứng tại nước sở tại làm cơ sở ký kết hợp đồng đảm bảo chắc chắn. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng sở tại tư vấn các doanh nghiệp uy tín hoặc giúp xác minh năng lực, uy tín của doanh nghiệp sở tại.
Giả danh Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Công an xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) cho biết đã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an gọi điện đe dọa tống tiền.
Trước đó, bà N.T.H. (53 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ; đối tượng tự giới thiệu là cán bộ Công an, thông báo với bà H. hiện đang liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Sau đó yêu cầu bà H. phải chuyển số tiền 01 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng của họ để xác minh, nếu không bà H. sẽ bị bắt giam. Quá hoảng sợ, bà H cùng chồng (ông N.V.H., 55 tuổi) đến phòng giao dịch ngân hàng Agribank để giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Tại đây, nhân viên ngân hàng nhận thấy nét mặt mệt mỏi cùng trạng thái tâm lý hoang mang của bà H. cùng chồng khi yêu cầu rút khoản tiền nên đã nhanh chóng liên hệ với Công an xã Tản Lĩnh.
Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc cơ quan Công an gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Trước thủ đoạn trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ số điện thoại lạ; Tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị mắc bẫy lừa đảo của đối tượng xấu. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
QUÝ NGUYỄN
Khuyến cáo các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy cho khu dân cư, nhà ở trong ngõ, hẻm