/ Pháp luật - Đời sống
/ Cảnh báo giả mạo kêu gọi ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội trên Facebook

Cảnh báo giả mạo kêu gọi ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội trên Facebook

16/09/2023 18:46 |

(LSVN) - Người dân cần nâng cao cảnh giác, phải xác thực lại thông tin để việc hỗ trợ được đến đúng địa chỉ, tốt nhất là thông qua các tổ chức do chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc xác định rõ ràng.


Ảnh minh họa.

Một số người nhà của nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đang rất bức xúc vì bị lợi dụng câu chuyện, hình ảnh cá nhân để kêu gọi, trục lợi từ thiện.

Người nhà của một nạn nhân vụ cháy chung cư mini chia sẻ, gia đình rất bất ngờ khi cô giáo của con gọi điện xác nhận, xem gia đình có đang kêu gọi từ thiện hay không?

Theo phản ánh, cô giáo vừa nhận được thông tin, có một tài khoản tự nhận là cô giáo, biết hoàn cảnh của gia đình nên đã kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ. Tuy nhiên, khi liên lạc với tài khoản Facebook kêu gọi ủng hộ này thì họ không hề biết thông tin gì về gia đình. Hiện, gia đình nạn nhân cũng chưa đăng bất kỳ thông tin và kêu gọi nhờ mọi người giúp đỡ. Đây có thể là chiêu trò câu views, câu like, trục lợi từ thiện.

Đại diện người nhà nạn nhân khuyến cáo những người có tấm lòng hảo tâm có ý định giúp đỡ các gia đình nạn nhân cần tìm hiểu kỹ thông tin để giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ, cần cảnh giác để tránh bị mắc lừa, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ những kẻ lợi dụng hoạn nạn của người khác để lừa đảo, trục lợi.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, từ đợt dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng lập trang facebook, fanpage giả mạo… để kêu gọi tài trợ, ủng hộ. Thậm chí các đối tượng còn giả mạo cả các trang web, cổng thông tin, fanpage của cơ quan chức năng để lừa đạo. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, phải xác thực lại thông tin để việc hỗ trợ được đến đúng địa chỉ, tốt nhất là thông qua các tổ chức do chính quyền địa phương, mặt trận tổ quốc xác định rõ ràng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này quy định: Ngoài các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi từ thiện thì cá nhân có đủ năng lực hành vi được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

​Về việc cá nhân tham gia vận đông, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp từ thiện được quy định cụ thể tại Mục 2, từ Điều 17 đến Điều 19 của nghị định này. Theo đó, kKhi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

​Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

​Về việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện thì căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có). Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.

Luật sư Cường cho rằng, việc các cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, quà từ thiện cho những người gặp khó khăn trong vụ hỏa hoạn này cần phải tuân thủ quy định của pháp luật để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra hiệu quả nhất, hợp lý nhất, phát huy tối đa những giá trị tích cực của cộng đồng, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ kịp thời đối với những người gặp khó khăn và tránh được những hệ lụy có thể xảy ra.

PV

Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini theo pháp luật hiện hành

Bùi Thị Thanh Loan