Ảnh minh hoạ.
Theo các chuyên gia an ninh, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi và nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau, từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đến công nhân, nhân viên văn phòng… thông qua phương thức chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, thời gian qua, cho dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít người gặp rắc rối hay thậm chí trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo chuyển nhầm tiền.
Giả chuyển khoản nhầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi, các đối tượng cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó. Sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cắt cổ. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng và giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền là một hình thức lừa đảo nguy hiểm.
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng xuất hiện trường hợp đối tượng lừa đảo chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm. Để trả lại số tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền đầy đủ thông tin tài khoản ngân hàng vào đường link nói trên, toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại sẽ bị rút sạch.
Theo cơ quan Công an, chuyển nhầm tiền là chiêu trò không mới nhưng chiêu thức các đối tượng áp dụng để thực hiện các màn kịch lừa đảo lại biến đổi khôn lường. Các đối tượng phân vai theo kịch bản cụ thể, từ đối tượng thu thập thông tin của người bị hại, đến đối tương sử dụng mạng xã hội để liên lạc với người bị hại. Các đối tượng sử dụng thông tin giả và các tài khoản ẩn danh, do đó việc điều tra xác minh những vụ việc như thế này gặp rất nhiều khó khăn.
Để ứng phó với tình trạng lừa đảo “chuyển nhầm tiền” vào tài khoản ngân hàng ngày càng tăng, Cục An toàn thông tin đã đưa ra biện pháp phòng ngừa để người dân có thể chủ động ứng phó nếu rơi vào trường hợp trên, cụ thể:
- Không chuyển tiền ngay lập tức: Hãy luôn kiểm tra và xác nhận rõ ràng nguồn gốc và mục đích của giao dịch chuyển tiền trước khi thực hiện. Không chuyển tiền dựa trên các yêu cầu đột xuất, không xác định hoặc không rõ ràng.
- Kiểm tra thông tin chuyển khoản: Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. So sánh thông tin với nguồn tin chính thức hoặc thông qua ngân hàng chủ quản để đảm bảo tính xác thực.
- Xác minh bằng nhiều cách khác nhau: Nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền hoặc trả lại số tiền từ một người hoặc tổ chức, không nên tiêu hoặc động đến số tiền đó mà hãy xác minh thông qua kênh liên lạc độc lập khác như số điện thoại được công bố chính thức hoặc email chính thức của họ. Đừng dựa vào thông tin được cung cấp bởi người yêu cầu.
- Thận trọng với các khoản vay không rõ ràng: Nếu nhận được yêu cầu trả lại số tiền như một khoản vay, hãy xem xét cẩn thận trước khi đồng ý. Đảm bảo rằng điều khoản và lãi suất được đề xuất là rõ ràng và hợp lý. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy tìm kiếm lời khuyên từ cơ quan ngân hàng hoặc chuyên gia tài chính độc lập.
- Báo cáo sự việc: Nếu bạn nghi ngờ hoặc trở thành nạn nhân của lừa đảo chuyển nhầm tiền, giả danh thu hồi nợ, hãy ngay lập tức báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng, như cảnh sát hoặc ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ.
Ngoài ra, luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân.
PV