Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết tiếp nhận 04 học sinh (Sinh năm 2008) nhập viện với các triệu chứng ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Ảnh: NLĐ.
Theo đó, qua phản ánh, hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng nhanh trong đối tượng học sinh. Nhiều học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường còn nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở ban, ngành, cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT để cung cấp thông tin và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ sở y tế trên địa bàn tích cực cung cấp thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng.
Theo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, tỉ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thời gian qua, có nhiều học sinh phải cấp cứu do ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cũng cho biết, đã tiếp nhận 04 học sinh (Sinh năm 2008) nhập viện với các triệu chứng ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo lời kể của các bệnh nhân, trước vào viện một giờ, những nam học sinh này sử dụng thuốc lá điện tử (chưa rõ loại và chưa rõ nguồn gốc). Sau đó tất cả xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn và nôn nhiều.
Khi vào viện, bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu, xử trí truyền dịch theo phác đồ và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Bãi Cháy).
MINH QUÝ