Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, bằng những lời chào mời hấp dẫn trên các trang mạng xã hội như: “Không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, gửi về tận tay, dịch vụ làm hộ chiếu nhanh chi phí thấp…” của các đối tượng “dịch vụ”, “cò” đã thu hút lượng lớn công dân thông qua dịch vụ này để làm hộ chiếu để trục lợi bất chính.
Cụ thể, khi người dùng mắc "bẫy", các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp ảnh chân dung, kích thước 4x6cm, phông nền trắng, ảnh căn cước công dân 02 mặt, thông tin của bố mẹ đẻ, vợ/chồng, số điện thoại đăng ký chính chủ và địa chỉ trên giấy khai sinh. Cùng với đó là một khoản phí, dao động từ 400 - 900 nghìn đồng.
Thời gian kể từ khi hoàn thiện các thủ tục cho đến khi cầm hộ chiếu trên tay là khoảng 10 - 25 ngày. Còn với những trường hợp cần gấp, số tiền dịch vụ có thể lên đến gần 04 triệu đồng/giao dịch.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho hay, từ ngày 01/6/2022, Bộ đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (gắn chip điện tử và không gắn chip điện tử) cho công dân Việt Nam trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Chỉ cần có thiết bị kết nối mạng internet như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, công dân có thể thực hiện việc nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến giúp công dân có thể dễ dàng và chủ động khai tờ khai, nộp hồ sơ cấp hộ chiếu qua mạng Internet vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Đồng nghĩa với việc không phải trực tiếp đến trụ sở Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh để xếp hàng làm tờ khai, chụp ảnh, chờ đợi như trước đây.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự hạn chế, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, những người không am hiểu về công nghệ thông tin, chưa thông thạo cách thức nộp hồ sơ trực tuyến để trục lợi thu tiền bất chính.
Thực tế, Công an một số tỉnh như Hà Nam, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Yên... cũng đã phát đi cảnh báo, yêu cầu người dân cảnh giác với những "cò" hộ chiếu.
Theo đó, lực lượng Công an cho biết, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện một số đối tượng gọi chung là “dịch vụ”, “cò” đăng tải bài viết “làm hộ” hộ chiếu cho công dân để trục lợi thu tiền bất chính.
Theo đó chi phí công dân phải trả cho các đối tượng này cao rất nhiều lần so với lệ phí theo quy định của nhà nước. Một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin cá nhân của công dân.
Cụ thể như ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú và mã OTP rất có thể sẽ được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác trên mạng xã hội.
Ngoài ra, còn có những hành vi như đăng kí mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng (APP) trực tuyến hoặc đánh cắp, hack các tài khoản mà người dân đang sử dụng tại các ứng dụng như Facebook, Zalo, VNeID, sau đó dùng các tài khoản này để thực hiện việc lừa đảo người thân, bạn bè hay vay tiền trên các trang mạng.
Theo cơ quan chức năng, việc làm của các đối tượng “dịch vụ”, “cò” trên tiềm ẩn nguy cơ, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc lộ lọt thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm hộ chiếu của người dân.
TRẦN QUÝ
Cảnh giác các thủ đoạn 'thao túng tâm lý' của đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội