Ảnh minh họa.
Theo đó, các thuốc này là các thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, được gắn mác hàng "xách tay" hoặc các thuốc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng. Thuốc được rao bán với giá vài triệu đồng/hộp. Trên thực tế, việc mua, bán thuốc này trong thời gian vừa qua xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, qua kênh thông tin của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Do đó, để xử lý triệt để, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, cơ quan điều tra. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị Covid-19 nói chung và thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng vì ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, điều trị bệnh.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi cơ quan chức năng thông tin về hiện tượng vi phạm pháp luật nêu trên, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xác minh các trang điện tử đã đưa thông tin để xác định và xử lý vi phạm kịp thời.
Trước đó, ngày 05/9/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 7343/BYT-QLD đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, các trường hợp quảng cáo thuốc không đúng, quảng cáo thuốc quá công dụng, tăng giá thuốc không hợp lý, đầu cơ, găm hàng đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc sai mục đích và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ như Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
PV