/ Pháp luật - Đời sống
/ Cảnh giác trước chiêu lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

Cảnh giác trước chiêu lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

21/04/2024 12:30 |

(LSVN) - Thời gian vừa qua, tình hình các đối tượng lợi dụng công nghệ và sự phát triển của mạng viễn thông, Internet để hoạt động phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng với tính chất xuyên quốc gia, ngày càng tinh vi, đa dạng, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội (TTXH), gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Ảnh minh họa.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội, TP. Hà Nội hiện nay tập trung nhiều trường đào tạo công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn. Tuy nhiên, lượng công việc không đáp ứng được nhu cầu việc làm cũng như mong muốn về thu nhập cá nhân dẫn đến các đối tượng, tổ chức phạm tội dễ dàng lôi kéo, dụ dỗ những người có kiến thức thực hiện hành vi phạm tội.

Từ đơn trình báo của các bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự cũng xác định thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, phổ biến hiện nay là đăng tin quảng cáo các chương trình tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ ứng tiền chuyển khoản để hưởng lợi nhuận. Sau đó, các đối tượng đưa ra nhiều lý do yêu cầu người bị hại chuyển tiền để làm thủ tục rút tiền rồi chiếm đoạt. Ví dụ thời gian vừa qua nổi lên chiêu trò đăng tin trên mạng xã hội quảng cáo, giới thiệu tham gia chương trình “Trại hè/khóa học của Việt Nam Airlines”, “Người mẫu nhí” hoặc chương trình tham gia mua các gói dịch vụ/bình chọn cho gái mại dâm trá hình trên mạng Internet… rồi dẫn dắt bị hại thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiền để hưởng lợi nhuận; gọi điện giả danh nhân viên cơ quan tư pháp, cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Văn phòng đăng ký đất đai, cơ sở y tế, bưu điện... để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, trong tháng 10/2023, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng giả danh nhân viên văn phòng đăng ký đất đai gọi điện yêu cầu người dân đăng ký định danh, bổ sung thông tin bất động sản; thông báo liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng rồi đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền của bị hại; tạo lập các công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng khoán, forex... sau đó đăng quảng cáo kêu gọi nộp tiền đầu tư, góp vốn thực hiện giao dịch để hưởng lợi nhuận cao; quảng cáo cho vay tín chấp số tiền lớn nhưng lãi suất thấp hoặc giả danh nhân viên ngân hàng để tư vấn khách hàng vay với lãi suất thấp. Khi bị hại có nhu cầu và liên hệ để vay tiền, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, gửi đường dẫn liên kết yêu cầu bị hại cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại di động. Sau đó, các đối tượng lấy nhiều lý do như đóng phí hồ sơ, bảo hiểm, ưu tiên, làm nhanh hồ sơ khoản vay, đổi thẻ, số tài khoản ngân hàng để nhận tiền giải ngân... rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng còn lập tài khoản có giao diện tương tự tài khoản của người khác hoặc đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại… gửi cho đối tượng, sau đó chiếm đoạt tiền; lập ra các Fanpage trên mạng xã hội để đăng tải thông tin, hình ảnh về các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài đang được giảm giá để thu hút khách hàng. Lấy lý do hàng nhập khẩu, phải đặt cọc để yêu cầu khách thanh toán tiền trước (hoặc đặt cọc 50% giá trị sản phẩm) rồi chiếm đoạt tài sản; lập các trang, tài khoản mạng xã hội đăng các bài viết không có thật về cơ quan, tổ chức, cá nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ để người dùng chuyển tiền rồi chúng chiếm đoạt toàn bộ; giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với nạn nhân, sau đó đề nghị tặng quà và ngoại tệ số lượng lớn qua đường hàng không về Việt Nam. Tiếp theo, đối tượng khác giả danh nhân viên sân bay, nhân viên giao hàng… yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng với lý do làm thủ tục nhận hàng, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại.

Đặc biệt, trong thời gian đầu tháng 3/2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao mà không ít người đã “sập bẫy”. Đó là các đối tượng gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh và tự xưng là giáo viên, nhân viên y tế thông báo con em họ bị tai nạn nghiêm trọng đang được cấp cứu, từ đó yêu cầu phụ huynh chuyển tiền để nộp viện phí, sau đó chiếm đoạt.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (Deepfake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video của người có mối quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện cuộc gọi video để yêu cầu bị hại chuyển tiền. Đây là một thủ đoạn khiến người dùng mạng xã hội dễ dàng mắc bẫy bởi độ tin cậy cao…

Đầu tháng 3/2023, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã tóm gọn ổ nhóm lừa đảo chuyên giả danh Ngân hàng Techcombank đăng tin cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Tài liệu của cơ quan công an nêu rõ, đây là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chuyên nghiệp. Các đối tượng mạo danh ngân hàng đăng các bài viết quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Để bị hại tin tưởng, chúng còn cho số điện thoại để kết bạn trên Zalo, sau đó gửi thông tin cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng. Quá trình trao đổi, các bị hại được yêu cầu chuyển tiền để làm hồ sơ vay vốn online. Tinh vi hơn, sau khi nạn nhân sập bẫy, chúng liền làm giả một bộ hồ sơ vay vốn giống như thật rồi yêu cầu “con mồi” chuyển tiếp tiền đóng các loại giấy tờ khác như bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập, hỗ trợ giải ngân nhanh… Do đang có nhu cầu vay nên các bị hại tự động làm theo yêu cầu của nhóm lừa đảo này. Đến khi không còn tiền chuyển nữa, chúng sẽ chặn toàn bộ liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại chuyển trước đó.

Ngày 14/11/2023, qua công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu chung cư, phòng ngừa các loại tội phạm ẩn, Công an quận Hà Đông đã phát hiện, bắt giữ nhóm 5 đối tượng thuê trọ tại khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông. Nhóm này sử dụng máy tính thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng với phương thức thủ đoạn mới rất tinh vi. Chúng lên mạng xã hội mua hàng nghìn tài khoản Zalo, Facebook “ảo” rồi vào các hội nhóm vay vốn đăng bài giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ người có nhu cầu vay tiền với thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, đồng thời giả là người đã vay được tiền để “cò mồi” thu hút người vay. Khi tiếp cận được người có nhu cầu vay tiền, để tạo lòng tin với họ các đối tượng làm giả hợp đồng vay, sử dụng các tài khoản Zalo “ảo” nhắn tin, nếu họ đồng ý vay sẽ yêu cầu nộp nhiều loại phí để làm thủ tục như phí làm hồ sơ, phí xin dấu nhanh, phí bảo hiểm (mỗi loại phí người vay phải nộp từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng) sau đó chiếm đoạt.

Trước tình trạng quá nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” loại tội phạm này và những “cạm bẫy” tinh vi, xảo quyệt vẫn được tội phạm tung ra. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường; trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân và không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.  

TRẦN MINH (t/h)

Tiếp tục cảnh báo tình trạng mạo danh người của cơ quan BHXH nhằm lừa đảo người dân

Nguyễn Hoàng Lâm