Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, một số người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn sau khi nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại lạ mạo xưng là cơ quan điều tra xác minh vụ án hoặc người nước ngoài “nhờ” nhận giúp tiền, vàng... Mặc dù các thủ đoạn này đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, song nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin và thiếu cảnh giác nên vẫn “sập bẫy” lừa.
Cụ thể, cơ quan chức năng huyện Cư Jút (Đắk Nông) tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của anh L.V.H. về việc bị lừa mất gần 500 triệu đồng. Theo đơn trình báo, thông qua mạng xã hội facebook, ngày 12/9/2022, anh H. có nói chuyện với một tài khoản tên là Riva Kumar. Người này tự xưng là lính đặc chủng của Hoa Kỳ, đang gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Syria. Đối tượng đang thu giữ một số tiền, vàng rất lớn muốn gửi về Việt Nam nhờ H. nhận giúp. Đến ngày 26/9, một người phụ nữ điện thoại thông báo cho biết, thùng tiền, vàng được gửi về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) và yêu cầu anh đóng phí vận chuyển cho người tên N.Đ.C., với số tiền 13 triệu đồng.
Sau khi anh H. chuyển tiền được khoảng 20 phút thì tiếp tục nhận được điện thoại báo Hải quan phát hiện trong thùng có số tiền rất lớn, yêu cầu anh H. chuyển tiếp số tiền 53 triệu đồng. Với thủ đoạn tương tự, các đối tượng dụ dỗ anh H. chuyển tiền 4 lần, với hơn 450 triệu đồng. Đến lần thứ 5, khi được yêu cầu chuyển thêm 501 triệu đồng, anh H. không có tiền nên mới dừng việc chuyển khoản cho đối tượng lạ.
Trước đó, bà N.T.L. (trú thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, Đắk Nông) cũng nhận được điện thoại từ các số 0348582xxx, 0374056xxx... tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát đang điều tra vụ án rửa tiền trái phép, trong đó có bà N.T.L. là người liên quan. Sau đó, những người này yêu cầu bà N.T.L. chuyển toàn bộ tài sản đến một số tài khoản của Ngân hàng Công thương (Vietinbank) để chứng minh năng lực tài chính. Người này còn cho biết, sau khi bà L. chuyển tiền, nếu không liên quan đến vụ án thì những người này sẽ hoàn trả lại số tiền trên.
Tin lời, bà N.T.L. làm theo hướng dẫn, đồng thời chuyển khoản 3 lần với tổng số tiền là 865.000.000 đồng. Sau đó, nhóm người này tiếp tục yêu cầu chuyển thêm tiền, tuy nhiên, nghi ngờ mình bị lừa, bà L. đã có đơn trình báo tới cơ quan Công an. Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp người dân “sập bẫy” sau khi tin lời từ những số điện thoại lạ. Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo rộng rãi nhưng vẫn có nhiều người dân vì lòng tham, nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn tới bị lừa số tiền lớn, khó có cơ hội lấy lại được.
Theo cơ quan Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp. Các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại, mạng xã hội.
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước hoặc yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn và đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định… Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, người dân phải kịp thời thông báo cho cơ quan Công an để được hỗ trợ.
Bên cạnh nâng cao cảnh giác, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; qua đó nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
PV
Công an TP. Hà Nội cảnh báo tội phạm trộm đột nhập nhà dân dịp cuối năm