/ Pháp luật - Đời sống
/ Cảnh giác với thông tin chia sẻ trên mạng xã hội

Cảnh giác với thông tin chia sẻ trên mạng xã hội

16/04/2022 02:49 |

(LSVN) -  Người sử dụng mạng xã hội đăng tin, hình ảnh giật gân, bịa đặt, sai sự thật nhằm để câu “view”, câu “like” diễn ra khá phổ biến. Điều này có thể dẫn tới các hành vi như: sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Phạm Thị Oanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH OTIS và Cộng sự.

Hàng trăm trường hợp bị xử phạt vì đưa thông tin sai trên mạng xã hội

Trong nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển vũ bão của internet và mạng xã hội, con người có thêm những phương tiện để giao tiếp, trao đổi và chia sẻ thông tin, hình ảnh, video mọi lúc mọi nơi mà không bị cản trở bởi yếu tố không gian địa lý. Mạng xã hội hay còn được gọi với một số tên khác như "trang mạng xã hội", “dịch vụ mạng xã hội" được con người sử dụng để xây dựng các môi quan hệ trực tuyến. Các mối quan hệ này có thể là những người biết nhau từ trước và cũng có thể là những người chưa hề biết nhau ở ngoài đời mà chỉ trò chuyện với nhau thông qua internet.

Mạng xã hội có rất nhiều dạng hình thức và có nhiều tính năng khác nhau, được trang bị trên nhiều công cụ cũng như vận hành trên các nền tảng như máy tính bàn, laptop, máy tính bảng, điện thoại... Mạng xã hội giúp người dùng chia sẻ từng câu chuyện cá nhân, hay những câu chuyện cuộc sống, các ý tưởng, video... Có thể kể ra một số mạng xã hội phổ biến nhất như Facebook, Twitter, Zalo, YouTube, WhataApp, Instagram, LinkedIn, Skype, Viber, Tumblr, Pinterest, Google Plus... Sự thu hút của các mạng xã hội là rất khó để người dùng chống cưỡng lại, nhất là khi được dùng hoàn toàn miễn phí. Ngày nay, Google, Facebook, Gmail đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người.

Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống như cập nhật tin tức đời sống xã hội, kết nối quan hệ, nâng cao kỹ năng sống và sự hiểu biết, tránh được nhiều hiểm họa cuộc sống, kinh doanh, quảng cáo miễn phí trên mạng xã hội. Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái như làm trì trệ các hoạt động sống của con người, mạng xã hội tốn thời gian, nguy cơ tiếp xúc với các thông tin không chính xác, không lành mạnh...

Trong những năm gần đây cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm trường hợp với số tiền lên đến hàng tỷ đồng liên quan về hành vi đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Các thông tin sai, thiếu kiếm chứng như thông tin bắt cóc người để lấy nội tạng, đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch, Tung tin sai sự thật về chất thải Formosa... Và mới đấy nhất Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phối hợp với Cục An ninh mạng bắt Facebooker Đặng Như Quỳnh, 42 tuổi, với cáo buộc đăng tải thông tin "chưa kiểm chứng" gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán, tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Điều đáng nói, ngoài nhiều người dân thiếu hiểu biết chia sẻ thông tin sai sự thật thì có nhiều người là cán bộ công nhân viên cơ quan nhà nước, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi cũng bị “dính chàm” bởi các hành vi nêu trên.

Tác hại của thông tin sai sự thật chia sẻ trên mạng xã hội

Theo Luật sư Phạm Thị Oanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH OTIS và Cộng sự hiện nay nhiều người của công chúng, người sử dụng mạng xã hội đăng tin, hình ảnh giật gân, bịa đặt, sai sự thật nhằm để câu “view”, câu “like” diễn ra khá phổ biến. Tùy mục đích, tính chất hành vi mà bị xử lý khác nhau.  Điều này có thể dẫn tới các hành vi như: sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

Là một nạn nhận trong vụ bịa đặt, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường cho biết: “Vào khoảng 9h15, trên trang face cá nhân của một vị bác sĩ trẻ tên H., sinh năm 1992 chia sẻ thông tin về sản phẩm do công ty chúng tôi sản xuất, bệnh nhân uống vào xuất huyết dạ dày, nôn ra máu. Sản phẩm của chúng tôi là bột mì trộn với thuốc giảm đau... Sản phẩm chúng tôi đã được Bộ Y tế cấp phép và cho lưu hành trên thị trường nên không thể có vấn đề trên. Sau khi mời người này đến làm việc thì người này thừa nhận những thông tin trên là sai sự thật nhằm mục đích câu “view”, câu “like”. Sau đó người này có nhận sai và đăng thông tin cái chính nhưng chúng tôi thì bị thiệt hại quá nhiều”.

“Chúng tôi sai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những chia sẻ không đúng sự thật, mang tính chất quy chụp, vô căn cứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty chúng tôi, thiệt hại rất lớn về doanh thu, cũng như sự hợp tác giữa công ty chúng tôi và các đối tác. Ngoài ra, sự việc còn khiến cho cán bộ công nhân viên toàn công ty ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, niềm tin của khách hàng đối với công ty, đối với các sản phẩm của chúng tôi”, ông Huy cho biết thêm.

Thông tin sai lệch trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật

Theo Luật sư Phạm Thị Oanh, việc sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, trái pháp luật vi phạm các điều cấm được quy định trong Luật Viễn thông 2009, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và Luật An ninh mạng 2018.

Cụ thể, Điều 12 Luật Viễn Thông 2009 quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông gồm: Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những thông tin bí mật khác do pháp luật quy định; Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật; Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.

Tại Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 2 cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích sau đây: Chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định; Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;

Cũng tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây; Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này; Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Các hành vi, vi phạm vào những điều khoản trên có thể bị xử phạt hành chính, nếu kết hợp với các hành vi như Tội "Làm nhục người khác", tội "Vu khống", tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"... thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV

 

Khuyến nghị của Luật sư Italy trong vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Italy

Admin