/ Đời sống - Xã hội
/ Cấp bách bao phủ vaccine, địa phương nào chậm trễ phải chịu trách nhiệm

Cấp bách bao phủ vaccine, địa phương nào chậm trễ phải chịu trách nhiệm

16/11/2021 11:18 |

(LSVN) - Bộ Y tế khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đề nghị Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo Sở Y tế thực hiện. Trong tháng 11, địa phương nào không đảm bảo tỉ lệ phủ vaccine, phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong tiêm chủng.

Cấp bách bao phủ vaccine, địa phương nào chậm trễ phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, ngày 14/11, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản hỏa tốc số 9670/BYT-DP gửi tới Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy Trực thuộc Trung ương về đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Theo đó, Văn bản nêu rõ, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, ngay từ năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine phòng Covid-19 để tiêm chủng phòng bệnh cho người dân; đến hết ngày 13/11, Bộ Y tế đã phân bổ 116 triệu liều vaccine tới các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Theo ghi nhận kết quả triển khai từ các địa phương, đơn vị, đến hết ngày 13/11 đã tiêm được khoảng 98 triệu liều vaccine, còn khoảng 18 triệu liều đã được phân bổ nhưng chưa được sử dụng.

Để tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở Y tế triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 01 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền) và tiêm mũi02 cho những đối tượng đã tiêm mũi 01 đủ thời gian.

Thứ hai, chủ động rà soát tình hình sử dụng vaccine, tổng hợp và báo cáo số lượng vaccine phòng Covid-19 được cấp từ nguồn Bộ Y tế và các nguồn khác (nguồn do doanh nghiệp viện trợ trực tiếp cho địa phương…), số vaccine còn tồn và báo cáo rõ nguyên nhân.

Trong trường hợp địa phương không kịp sử dụng và không có nhu cầu sử dụng số vaccine được cấp phải báo cáo kịp thời cho các Viện vệ sinh dịch tễ để điều phối đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.

Địa phương, đơn vị nào nhận vaccine từ nguồn khác không báo cáo Bộ Y tế, không kiểm định theo quy định mà tự tổ chức tiêm thì phải chịu trách nhiệm.

Đề xuất nhu cầu cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vaccine năm 2022.

Báo cáo nguyên nhân còn tồn và đề xuất nhu cầu vaccine gửi về Bộ Y tế trước ngày 20/11/2021. Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ không cấp vaccine cho địa phương. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và nhân dân về việc không đủ vaccine để tiêm chủng do không có đề xuất.

Bộ Y tế sẽ thông báo công khai những địa phương có tiến độ tiêm chủng, tỉ lệ bao phủ vaccine thấp đồng thời trên trang cổng thông tin điện tử Chiến dịch và các phương tiện thông tin đại chúng

Bộ Y tế khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đề nghị Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo Sở Y tế thực hiện. Trong tháng 11, địa phương nào không đảm bảo tỉ lệ phủ vaccine, phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong tiêm chủng.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho trẻ em

Trước đó, ngày 08/11, Bộ Y tế đã ban hành Công văn khẩn số 9495/BYT-DP gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 và báo cáo kết quả tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Văn bản của Bộ Y tế nêu rõ, dự kiến trong tháng 11 và 12/2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được số lượng lớn vaccine phòng Covid-19 và phân bổ để tiêm chủng đủ 02 liều vaccine cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc, khẩn trương đẩy nhanh việc tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) bảo đảm an toàn, hiệu quả. Nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 01 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 02 cho những đối tượng đã tiêm mũi 01 đủ thời gian.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ tiến độ cung ứng vaccine, tình hình dịch và độ bao phủ vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên tại địa phương để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn, đồng thời thực hiện báo cáo hằng ngày kết quả tiêm chủng đối với nhóm tuổi này.

Các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai tiêm chủng. Thực hiện nhập mới đối tượng tiêm chủng hằng ngày lên Hệ thống tiêm chủng vaccine Covid-19; đồng thời liên tục rà soát, nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng để tránh hiện tượng trùng lặp đối tượng hoặc đối tượng đã được tiêm nhưng chưa có thông tin mũi tiêm trên hệ thống.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đề nghị các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện”, văn bản của Bộ Y tế nêu rõ.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 08 triệu trẻ từ 12-17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm 02 mũi là khoảng 16 triệu liều.

17 tỉnh thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, TP. Hồ Chí Minh tiến hành tiêm đợt 2

Hiện cả nước có 17 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi là: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai tiến hành tiêm đợt 02 và tiêm mũi 02 cho trẻ em đủ điều kiện.

Vừa qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm cấp cứu 115 cùng Phòng y tế, Phòng Giáo dục và đào tạo, Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã có buổi họp sơ kết rút kinh nghiệm công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Qua đánh giá, dù là địa phương đầu tiên tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi nhưng TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành đợt 01 của chiến dịch thành công, hoàn thành tốt các công tác an toàn tiêm chủng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi bắt đầu từ ngày 27/10/2021, mở đầu chiến dịch là Quận 1 và huyện Củ Chi và kết thúc ngày 08/11/2021.

Chiến dịch được triển khai ở tất cả 22 quận huyện và TP. Thủ Đức với 509 điểm tiêm cho đối tượng trẻ đi học và 68 điểm tiêm chủng cho trẻ không đi học. Tại thành phố, tổng đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi là 701.820 trẻ và đạt tỉ lệ đồng thuận là 94,6%.

Tính đến ngày 15/11, TP. Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 662.838 trẻ trên tổng số 668.473 trẻ. Ghi nhận có trên 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.

Tất cả các trường hợp đều được xử lý kịp thời và an toàn. Hiện tại một số quận huyện vẫn đang triển khai tiêm vét cho các trẻ hoãn tiêm.

Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em đợt 01, các công tác đều được triển khai kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo bảo sự an toàn. Về công tác tổ chức, hầu hết các điểm tiêm đều bố trí đầy đù các khu vực tiếp nhận, khám sàng lọc, khu vực tiêm và khu vực theo dõi xử trí sự cố sau tiêm. Có xây dựng kế hoạch tiêm, danh sách tiêm và các biểu mẫu theo quy định.

Về bảo quản, vaccine tại các điểm tiêm được bảo quản đúng quy định, nhiệt độ ghi nhận trong khoảng 02 đến 08 độ C, có biên bản giao nhận vaccine.

Về an toàn tiêm chủng, các nhân viên y tế tham gia tiêm chủng được tập huấn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, các điểm tiêm được giám sát bố trí khu vực theo dõi sau tiêm có ghế ngồi chờ và giường nằm, có bố trí nhân sự theo dõi và sử lý sự cố sau tiêm, có số điện thoại liên hệ đội cấp cứu để chuyển viện khi cần thiết, có rút sẵn ống Adrenalin để sẵn tại bàn tiêm và khu vực theo dõi sau tiêm, bố trí đầy đủ hộp chống sốc theo quy định.

Về an toàn phòng chống Covid-19, hầu hết các điểm tiêm đảm bảo khoảng cách, không ùn ứ và theo quy tắc một chiều, hẹn tiêm theo khung giờ.

Dự kiến ngày 22/11 tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuồi đợt 2, thực hiện tiêm mũi 02 cho trẻ đã tiêm mũi 01 đủ thời gian.

TRẦN VŨ

Khuyến cáo người tiêu dùng về sản phẩm thuốc Voltarén 75 mg nghi ngờ giả

Admin