Ảnh minh họa.
Theo đó Thông báo số 252/TB-VPCP nêu rõ, còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ, kịp thời; còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thiếu phân cấp, phân quyền.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu, lựa chọn những quy định, TTHC đang là rào cản để tập trung cải cách, trước mắt tập trung ưu tiên các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC về đầu tư, kinh doanh và TTHC trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể như: xây dựng, bất động sản, thuế, hải quan, điện, năng lượng, sản xuất, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục đào tạo, y tế…
Thực hiện giao ban định kỳ và làm việc trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác cải cách TTHC, Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy triển khai; đôn đốc thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phương án phân cấp đã được phê duyệt.
Trước mắt tập trung vào 714 quy định đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa được thực thi, 618 TTHC đã phê duyệt phương án phân cấp chưa được thực thi, 808 TTHC liên quan đến giấy tờ công dân chưa thực thi đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết chuyên đề và việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, TTHC (bao gồm cả TTHC nội bộ và phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là các quy định, TTHC theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 547/TTg-KSTT ngày 15/6/2023.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định, hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà.
Bộ Nội vụ, trên cơ sở rà soát của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp rà soát, đề xuất phương án kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành, trong đó bao gồm cả tổ tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian trình trong tháng 7/2023.
Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ gồm từ 10-12 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ phó thường trực, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ phó, Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 làm Tổ phó, lãnh đạo một số bộ, cơ quan làm thành viên và Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC làm Ủy viên thường trực.
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về cải cách TTHC; kỷ cương hành chính và nhận diện các khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy triển khai, trước mắt tập trung vào các phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phương án phân cấp đã phê duyệt nhưng chưa được thực thi.
Đồng thời nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để cập nhật, công khai theo dõi, đánh giá về TTHC nội bộ và TTHC 04 cấp chính quyền. Hoàn thành trong Quý 3 năm 2023.
MINH TRẦN
Chính phủ đề xuất sửa đổi nhiều luật để gỡ vướng cho các dự án đầu tư công