Ngày 06/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Theo các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành 09 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng, đồng thời ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết các luật mới ban hành (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024...).
Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đã hoàn thành 103 dự án với quy mô 66.755 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 137 dự án với quy mô 114.618 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô 412.055 căn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội (hiện nay là 145.000 tỉ đồng) đã được giải ngân 2.845 tỉ đồng, gồm 2.580 đồng cho chủ đầu tư tại 20 dự án, 265 tỉ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án.

Ảnh minh họa.
Mới đây, Thủ tướng đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030, để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2025-2030, cả nước phải hoàn thành 995.445 căn hộ để có thể đạt được mục tiêu xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Địa phương được giao chỉ tiêu lớn nhất về nhà ở xã hội là TP. Hồ Chí Minh với 69.700 căn. Tiếp đó là Hà Nội với 56.200 căn, Hải Phòng 33.500 căn, Đà Nẵng 12.800 căn, Cần Thơ 9.100 căn.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các quy định, cơ chế ưu tiên cho phát triển các dự án nhà ở xã hội thông qua việc rút ngắn các trình tự thủ tục, thời gian thực hiện các trình tự thủ tục ở các bước, bởi hiện nay, quy định về trình tự thủ tục, thời gian để phát triển 01 dự án nhà ở xã hội là khá lớn. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần sớm xây dựng quỹ nhà ở quốc gia gắn với cơ sở dữ liệu về dân số, thu nhập, từ đó chúng ta có sự chuẩn bị về kế hoạch xây dựng, phát triển, tránh sự bị động; phải làm sao thủ tục pháp lý đơn giản nhất với cơ chế "một cửa".
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, vừa qua, việc xây dựng nhà ở xã hội đã có kết quả, tiến bộ, chuyển biến nhất định nhưng so với yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt; trên địa bàn cả nước đã có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký; việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm và có khó khăn; vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, chỉ định thầu, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Để đạt mục tiêu đề ra, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét sau hội nghị, Thủ tướng chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các bộ ngành, địa phương. Trong đó, về cơ chế vốn cho dự án nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lãi suất phù hợp; có thể tăng lãi suất phù hợp nhưng phải làm nhanh, nếu dự án kéo dài thì lãng phí thời gian, công sức, niềm tin, phải làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Thủ tướng cũng giao các cơ quan nghiên cứu, tổng hợp, trình Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về đấu thầu, giao đất, mức lợi nhuận phù hợp, ưu đãi hạ tầng, thủ tục hành chính…
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu thành lập quỹ nhà ở quốc gia (Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, hoàn thành trong tháng 03/2025). Ngân hàng Nhà nước không tính tín dụng cho vay nhà ở xã hội vào “'room” tín dụng của các ngân hàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, rà soát, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025, không để tình trạng người có nhu cầu phải chờ 05 năm, 10 năm mới có nhà ở xã hội.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đối với các dự án đã khởi công xây dựng thì phải quyết tâm hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2025. Các địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gương mẫu, đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành mục tiêu được giao. Riêng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi địa phương phải hoàn thành 100.000 căn hộ tới năm 2030.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật.
Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo để Chính phủ đề xuất có thẩm quyền với các nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ (như liên quan đấu thầu, chỉ định thầu, giao đất, mô hình tài chính phù hợp, mức lợi nhuận phù hợp, ủy quyền cho các tỉnh, thành phố mở rộng vốn cho doanh nghiệp, ưu đãi hạ tầng, thủ tục hành chính…); trong đó có đề xuất ban hành nghị quyết của Chính phủ để thí điểm chỉ định thầu trong thực hiện dự án nhà ở xã hội…