Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ Tài chính giao Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị và trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý; bảo đảm giữ bí mật thông tin lý lịch tư pháp theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính; đề xuất các giải pháp ngăn chặn tình trạng yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn, phát sinh chi phí cho người dân (nếu có) gửi về Văn phòng Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2023.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/2/2022 của Bộ Tư pháp, trong đó, chỉ ban hành thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới trong trường hợp thật sự cần thiết, đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp, chi phí tuân thủ thấp.
Các đơn vị tiếp tục triển khai nhiệm vụ về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính giai đoạn 2022 - 2025 tại Quyết định số 2475/QĐ-BTC ngày 29/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo đúng tiến độ quy định; đảm bảo mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.
VĂN QUANG