Hình ảnh mô phỏng virus gây bệnh viêm gan. Ảnh: Getty Images/TTXVN.
Trong tuần qua, Indonesia thông báo có 3 ca tử vong do bệnh viêm gan này, trong khi đó, Anh ngày 06/5 thông báo đã ghi nhận 163 ca mắc bệnh, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi và hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Theo Phó Giám đốc CDC Mỹ Jay Butler, các nhà khoa học tại Mỹ và thế giới đang nỗ lực xác định nguyên nhân gây bệnh. Giới chức y tế Mỹ cho rằng các trường hợp mắc bệnh có thể liên quan đến virus adenovirus và đang tập trung nghiên cứu xác minh giả thuyết này. Các chuyên gia cũng đang xem xét yếu tố môi trường liên quan tới các trường hợp mắc bệnh.
Tại Mỹ, 90% số ca mắc bệnh này phải nhập viện điều trị, trong đó có 14% trường hợp cần phẫu thuật ghép gan. Độ tuổi trung bình các ca mắc bệnh này là 2 tuổi và phần lớn các ca mắc đều đã bình phục hoàn toàn. Hơn một nửa số trường hợp được xét nghiệm có kết quả dương tính với adenovirus 41 - một loại virus thường liên quan đến viêm loét dạ dày.
Cuối tháng 4, CDC Mỹ từng đưa ra cảnh báo y tế yêu cầu giới y bác sĩ và giới chức y tế đặc biệt lưu ý về các trường hợp mắc bệnh này và bắt đầu rà soát hồ sơ bệnh án từ ngày 01/10/2021.
Một nghiên cứu công bố tuần trước liên quan tới 9 ca mắc ở bang Alabama đã loại bỏ khả năng mắc bệnh do phơi nhiễm các virus thông thường gây viêm gan A, B và C. Theo ông Butler, CDC Mỹ cũng không cho rằng các ca mắc viêm gan bí ẩn này liên quan đến việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vì trên thực tế, các trường hợp mắc này đều chưa đủ tuổi để tiêm loại vaccine này. Hiện các trẻ em mắc bệnh này có chung các triệu chứng như vàng da và nôn mửa.
Trong khi đó, tại Anh, ngày 06/5, cơ quan an ninh y tế công bố báo cáo cho biết 70% số các gia đình mà cơ quan này tiến hành thu thập dữ liệu đến các ca mắc bệnh viêm gan hiếm gặp có nuôi chó. Cơ quan chức năng nước này đang tiến hành nghiên cứu sâu phát hiện này để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Trong thời gian chờ đợi kết quả nghiên cứu, giới chức y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây bệnh như thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc với người ốm, ho và sổ mũi, tránh đưa tay lên mắt, mũi và miệng. Người dân cần liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Ngày 05/5, Panama đã trở thành quốc gia mới nhất thông báo ghi nhận trường hợp viêm gan cấp tính đầu tiên ở trẻ nhỏ. Nước này ngay lập tức tăng cường giám sát, cảnh báo dịch tễ học tại tất cả các cơ sở y tế của mình.
TTXVN
Indonesia ghi nhận 3 bệnh nhi tử vong nghi do viêm gan cấp tính