Sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Princeton
Có cha là chủ đất lớn nhất một vùng của nước Mỹ nên ngay từ khi sinh ra, James Madison đã có kẻ hầu người hạ. Thế nhưng, sức khỏe của Madison lại rất kém. Từ khi còn nhỏ, ông đã rất ốm yếu và thường xuyên phải đấu tranh với chứng động kinh. Đến khi trưởng thành, ông cũng chỉ cao 1m63 và chưa bao giờ nặng quá 45kg, khiến ông trở thành vị Tổng thống có dáng vóc nhỏ con nhất của Mỹ từ trước đến nay.
Không có sức khỏe nhưng Madison lại thông minh, ham học và rất chỉn chu. Cũng chính vì vấn đề sức khỏe mà ông đã không thể theo học Đại học William & Mary. Năm 18 tuổi, ông rời trang trại của gia đình để tới theo học tại trường Đại học New Jersey (nay là trường Đại học Princeton).
Những người bạn của ông nói rằng, trong thời gian theo học ở trường, mỗi đêm ông chỉ ngủ 04 tiếng, còn lại dành toàn bộ thời gian để đọc sách Luật, Triết học Hy Lạp và La Mã. Chính vì vậy nên trong khi những người khác phải mất 4 năm mới hoàn thành đại học thì Madison lại chỉ mất có 02 năm. Cho đến nay, trường Princeton vẫn ghi nhận ông là sinh viên đầu tiên tốt nghiệp của trường.
Năm 1774, Madison đã giành được một chân trong Ủy ban an ninh địa phương - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của lực lượng dân quân lúc bấy giờ, đánh dấu bước đầu tiên trong cuộc đời phục vụ cộng đồng của ông. Đến năm 1776, khi các bang đang trên bờ vực chiến tranh với Anh, Madison cũng dần bị kéo vào những cuộc tranh cãi về độc lập.
Một năm sau, ông tranh cử vào Hạ viện bang Virginia nhưng thất bại do ông đã từ chối tặng rượu whiskey miễn phí cho các cử tri trong Ngày bầu cử - một tập tục khá phổ biến lúc bấy giờ nhưng dưới cái nhìn của Madison lại là hành động hối lộ cử tri, đi ngược với các nguyên tắc mà ông vốn theo đuổi.
Cũng chỉ ít lâu sau đó, Madison đã giành được 1 ghế trong Hội đồng bang Virginia. Trong thời gian hoạt động ở cơ quan này, ông đã gặp gỡ và trở nên thân thiết với Thomas Jefferson - khi đó đang là Thống đốc bang Virginia, về sau là Tổng thống thứ 3, cũng là tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ.
Năm 1780, ở tuổi 29, Madison trở thành đại diện trẻ nhất trong Đại hội thuộc địa - tiền thân của Quốc hội Mỹ. Dù nhỏ con và yếu ớt nhưng Madison khiến nhiều phải khâm phục vì sự hiểu biết, trí tuệ và cả sự chăm chỉ của ông.
Cha đẻ của Hiến pháp Mỹ
Sau khi các bang của Mỹ độc lập khỏi Anh vào năm 1776, bản Các điều khoản hợp bang đã được phê chuẩn vào năm 1781 và được xem là bản Hiến pháp đầu tiên của Mỹ. Theo văn bản này, hầu hết quyền hành được trao cho các cơ quan lập pháp bang, khiến các bang giống một nước riêng biệt hơn là thành phần của liên bang. Cấu trúc như vậy khiến cơ quan điều hành duy nhất là Đại hội thuộc địa trở nên yếu ớt, không thể quản lý được nợ công hay duy trì quân đội quốc gia.
Từ thực tiễn tình hình, Madison cho rằng cần phải thay đổi. Sau khi nghiên cứu kỹ mô hình chính quyền của các nước khác, đọc hàng trăm cuốn sách khác nhau, ông nhận thấy rằng Mỹ cần một chính phủ liên bang mạnh hơn để điều chỉnh các cơ quan làm luật của bang cũng như thiết lập một hệ thống quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Tháng 05/1787, ông thúc đẩy việc triệu tập các đại diện từ các bang ở Mỹ tới dự Hội nghị lập hiến ở Philadelphia. Tại đây, Madison đã trình bày “Bản kế hoạch Virginia”, phác thảo chi tiết mô hình chính phủ với 03 nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp với quyền lực ngang nhau, trong đó Chính phủ đóng vai trò như một cơ quan kiểm soát để đảm bảo cân bằng quyền lực giữa 3 nhánh trên. Bản kế hoạch này được xác định chính là cơ sở của bản Hiến pháp Mỹ về sau, khiến Madison trở thành người được vinh danh là “Cha đẻ của bản Hiến pháp Mỹ”.
Hiến pháp mới của Mỹ sau đó được Madison soạn thảo dựa trên bản kế hoạch của ông cũng như tiếp thu các ý kiến tranh luận được đưa ra tại hội nghị. Tuy nhiên, để được thông qua, văn bản cần được sự phê chuẩn của 09/13 bang của Mỹ và đây là một tiến trình không hề dễ dàng vì nhiều bang cho rằng Hiến pháp đã trao quá nhiều quyền cho chính phủ liên bang.
Trước tình hình đó, Madison tiếp tục đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy việc phê chuẩn bản Hiến pháp mới. Trong suốt 02 năm 1787, 1788, ông đã có nhiều bài viết thể hiện rõ tính ưu việt của mô hình chính phủ mới cũng như bản hiến pháp để thuyết phục giới chức các bang ở Mỹ. Kết quả của sự nỗ lực này là việc Hiến pháp Mỹ được các bang thông qua vào năm 1788 và chính phủ mới đã được thành lập vào 1 năm sau đó.
Sau khi Hiến pháp Mỹ được thông qua, Madison được bầu vào Hạ viện Mỹ mới được thành lập. Tại Quốc hội, ông đã soạn thảo bản Tuyên ngôn nhân quyền bao gồm 10 sửa đổi trong Hiến pháp để đảm bảo các quyền cơ bản của công dân Mỹ như quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Bản Tuyên ngôn này được các bang của Mỹ phê chuẩn vào năm 1791.
Từ năm 1801 đến 1809, khi người bạn lâu năm Jefferson trở thành Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ, Madison cũng được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng của nước này. Trong quãng thời gian đó, ông đã có đóng góp lớn trong việc giúp Mỹ mua lại được lãnh thổ Louisiana vào năm 1803, giúp tăng gấp đôi diện tích của nước Mỹ như hiện nay.
Sự am hiểu, năng nổ và cả tài năng của ông đã được người Mỹ ghi nhận. Tại cuộc bầu cử năm 1808, Madison đã đánh bại đối thủ Charles Cotesworth Pinckney để trở thành Tổng thống thứ 4 của xứ cờ hoa. Năm 1812, ông tiếp tục được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2, có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kết thúc cuộc chiến tranh Mỹ - Pháp vào năm 1814.
Vợ Madison là người định hình vai trò của đệ nhất phu nhân Trái ngược với vẻ trầm tính, điềm đạm của ông Madison, vợ của ông là bà Dolley Madison lại là một người rất sôi nổi, ấm áp và vui tính. Khi Madison bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên vào năm 1809, bà Dolley đã nhanh chóng thích nghi được với vai trò mới và trở thành người định hình cho vai trò của đệ nhất phu nhân với việc bắt tay vào trang trí Nhà Trắng và tổ chức sự kiện mừng Nhậm chức của tân Tổng thống đầu tiên. Với việc trở thành Giám đốc của một trại trẻ mồ côi dành cho những bé gái, bà cũng chính là người đã khởi xướng truyền thống tham gia vào các dự án phục vụ cộng đồng của các đệ nhất phu nhân của Mỹ. Bà cũng đảm nhận cực tốt vai trò chủ trì những sự kiện lễ tân ở Nhà Trắng. Hàng tuần, bà giúp chồng chu toàn việc tiếp đón những nhân vật cấp cao, từ những chức sắc nước ngoài, các chính trị gia cho đến giới trí thức đến nỗi nhà chép sử Washington Irving miêu tả bà như một “bông hoa lộng lẫy, làm rực sáng phòng tiếp khách của Nhà Trắng”. |
HÀ LÊ/PLVN