/ Tư vấn
/ Chậm nộp báo cáo tình hình thay đổi lao động, doanh nghiệp có bị phạt?

Chậm nộp báo cáo tình hình thay đổi lao động, doanh nghiệp có bị phạt?

07/06/2022 07:15 |

(LSVN) - Một trong những việc mà bộ phận nhân sự phải làm dịp tháng 6 và tháng 12 hằng năm đó là báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ. Vậy nếu chậm nộp báo cáo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp có bị phạt?

Điều kiện giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Ảnh minh họa. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS  cho biết, khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định rõ: 

"2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện."

Theo quy định này, mỗi năm, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ 06 tháng về tình hình thay đổi lao động 02 lần rồi gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hạn cuối báo cáo tình hình thay đổi lao động trong 06 tháng đầu năm là trước ngày 05/6. Hạn cuối báo báo cáo tình hình thay đổi lao động cuối năm là trước ngày 05/12 của năm đó.

Doanh nghiệp có thể báo cáo trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc gửi báo cáo giấy đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần phải thông báo về tình hình thay đổi  lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. 

Luật sư Lê Ngọc Khánh cho biết thêm, việc báo cáo tình hình sử dụng lao động là một thủ tục bắt buộc mà mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện định kỳ 02 lần/năm trong thời hạn quy định. Nếu không thực hiện đúng quy định về báo cáo tình hình thay đổi lao động, phía doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

"2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;"

Kết hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động là cá nhân không thực hiện cáo cáo tình hình thay đổi về lao động theo đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng. Trong đó, người sử dụng lao động là tổ chức chậm nộp báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ bị phạt gấp đôi với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

PV

Quy trình bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo quy định pháp luật?

Nguyễn Mỹ Linh