(LSO) - Ngày 29/7, TAND thành phố Hòa Bình đưa bị can Nguyễn Quang Huy ra xét xử về tội "Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia", quy định tại khoản 1 Điều 303, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Trước đó, Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ Nguyễn Quang Huy (SN 1973, trú tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) – là đối tượng bị truy nã suốt 26 năm về tội "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Khi bị bắt, Huy đang giữ chức Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong.
Theo tài liệu tố tụng, năm 1993, Huy cùng 4 bị cáo khác (đã bị xét xử - PV) có hành vi chôm cắp dầu ở một công trình trong hệ thống công trình an ninh quốc gia “Thủy điện Hòa Bình”,
Sau khi sự việc được làm rõ, Huy bỏ trốn trong khi đồng phạm bị xét xử phạt tù. Bẵng đi nhiều năm, không rõ bằng cách nào, Huy vẫn điềm nhiên sinh sống tại chính nơi mình đã từng gây ra sự việc, thậm chí vào làm việc tại Tòa án nhân dân huyên Cao Phong tỉnh Hòa Bình và được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong.
Đối với tội danh "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia", bị can bị truy nã vô thời hiệu nên việc Huy bị bắt để phục vụ điều tra là điều hoàn toàn đúng theo luật tố tụng hình sự.
Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian làm nhân viên bảo vệ tại cửa nhận nước của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trương Phú Quyền (SN 1965, trú tại phường Tân Thịnh, thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình), tỉnh Hòa Bình phát hiện việc quản lý thiếu chặt chẽ đối với bể chứa dầu thủy lực TN22 (là loại dầu đặc chủng dùng trong việc nâng, hạ cánh phai của tổ máy 3 và 4) nên Quyền nảy sinh ý định lấy trộm dầu thủy lực để bán lấy tiền.
Quyền chủ động làm quen với Đào Văn Tụ (SN 1958) và Lương Xuân Học (SN 1955), cùng trú tại phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, là các đối tượng hay mua bán dầu thải.
Quyền thỏa thuận với Tụ và Học là cứ lấy được 1 can dầu 20 lít thì Tụ, Học trả cho Quyền 50.000 đồng/1 can.
Sau khi bàn bạc, thống nhất về thời gian, địa điểm, cách thức để thực hiện hành vi trộm cắp dầu của nhà máy thủy điện Hòa Bình, Học rủ thêm Nguyễn Quang Huy (SN 1973, trú tại phường Phương Lâm), là em họ của Học cùng tham gia trộm cắp dầu, Huy đồng ý.
Như vậy, năm 1992, Nguyễn Quang Huy cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi trộm cắp 360 lít dầu thủy lực, gây thiệt hại cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình số tiền hơn 2 triệu đồng.
Lượng dầu thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn vận hành của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, là công trình quan trọng về An ninh Quốc gia.
Hành vi của Nguyễn Quang Huy đã đủ yếu tố cấu thành tội "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về An ninh Quốc gia", theo quy định tại khoản 1, Điều 94 BLHS năm 1985 (Nay là tội “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia, quy định tại khoản 1 Điều 303, BLHS năm 2015).
Căn cứ vào chứng cứ điều tra, và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Huy 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
ĐỨC CƯỜNG