Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, xyanua là chất cực độc, tồn tại dưới nhiều dạng ở thể rắn, thể khí và thể lỏng. Nếu nuốt hoặc hít phải một lượng khí xyanua sẽ gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc kinh doanh, mua bán, sử dụng xyanua phải rất thận trọng để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Tuy vậy trên thực tế, chất độc này lại được bày bán quá công khai, việc mua cũng dễ dàng. Vụ việc nữ sinh đầu độc cha ruột bằng xyanua xảy ra thời gian gần đây là một ví dụ. Nhưng đây không phải là sự việc hy hữu, mà trước đó cũng đã có những vụ giết người bằng xyanua. Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý hoạt động mua bán xyanua trên thị trường.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18, Phụ lục I,II, III Nghị định 113/2017/NĐ-CP và khoản 3 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 113/2017/NĐ-CP, một số hợp chất xyanua cụ thể là Acetonitrile (Metyl xyanua); 3,5-Diclo phenyl isoxyanat thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và các hợp chất của xyanua khác thuộc danh mục hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Do vậy, loại chất này không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định trên.
Như vậy, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hóa chất độc hại này cần phải tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung 2018 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2019/ NĐ-CP. Cụ thể, căn cứ Điều 14 Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung 2018, chủ thể kinh doanh xyanua phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh sau: (i) Bảo đảm an toàn trong kinh doanh hóa chất; (ii) Bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất: Phải phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất; Phải có cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; (iii) Bảo đảm yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; (iv) Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận hoặc Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là Giấy phép).
Trong đó, Điều 9 và Điều 15 Nghị định 113/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2019/NĐ-CP quy định để được cấp Giấy chứng nhận và Giấy phép, chủ thể phải đáp ứng điều kiện dưới đây: Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề kinh doanh hóa chất; Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại Điều 12 của Luật Hóa chất; Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP; Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ; Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất; Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất; Tổ chức cá nhân chỉ được kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 113/2017/NĐ-CP trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Hóa chất.
Trong trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thì có thể bị xử lý về tội "Mua bán trái phép chất độc" theo quy quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, và tùy vào mức độ gây thiệt hại mà người thực hiện hành vi này có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất là chung thân.
Có thế thấy, tuy pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, giấy chứng nhận cho các chủ thể kinh doanh cũng như quy định về việc kiểm soát hoạt động mua bán nhưng trên thực tế việc kiểm soát hoạt động mua bán các hóa chất độc nói chung, xyanua nói riêng vẫn chưa đủ chặt chẽ. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các hóa chất độc được mua bán phổ biến trên thị trường.
PV
Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2022