Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) trong các công nghệ mới nổi ngày càng tiến bộ nhanh chóng. Hãng OpenAI vừa giới thiệu sản phẩm mới nhất, chatbot ChatGPT, cho công chúng thử nghiệm từ ngày 30/11. Chatbot là phần mềm được thiết kế để trò chuyện với con người dựa trên các dữ liệu mà người dùng đưa ra.
Theo OpenAI, mô hình ChatGPT được đào tạo bằng kỹ thuật máy học có tên Học tăng cường từ Phản hồi của người dùng - Reinforcement Learning from Human Feedback (RLHF). Công ty này cũng khẳng định ChatGPT có thể mô phỏng các đoạn hội thoại, trả lời câu hỏi, nhận khuyết điểm, thách thức những tiên đề không chính xác và từ chối yêu cầu không hợp lý.
Ban đầu, các huấn luyện viên AI là con người sẽ cung cấp cho mô hình các cuộc hội thoại, trong đó, họ đóng cả hai vai – người dùng và trợ lý AI. Phiên bản botchat đang thử nghiệm hiện nay cố gắng hiểu câu hỏi do người dùng đặt ra và phản hồi bằng những câu trả lời chuyên sâu giống như con người dưới định dạng hội thoại.
ChatGPT có thể sử dụng trong các ứng dụng thực tế như tiếp thị kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trực tuyến, trả lời câu hỏi của khách hàng, thậm chí còn giúp tìm lỗi (bug) trong code. Bot phản hồi được nhiều loại câu hỏi trong khi bắt chước phong cách của con người.
Hiện nay, từ khóa ChatGPT hiện có đến 420 triệu kết quả trả về trên Google và đang là chủ đề nóng hổi, nhận được sự bàn tán của không chỉ giới chuyên gia, mà còn được nhiều bạn trẻ quan tâm. Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, nhìn chung, ChatGPT là một công cụ đầy hứa hẹn trong tương lai, bằng chứng là có rất nhiều bài viết đề cao ưu điểm của Chatbot này thông qua những cuộc thử nghiệm của người dùng trên khắp thế giới.
Mặc dù, Chatbot mang nhiều “điểm cộng” nhưng đi kèm theo đó hàng loạt thách thức không dễ để giải quyết, đặc biệt là thách thức về mặt xã hội và pháp lý. Điều gì sẽ xảy ra khi ChatGPT thực hiện các hành vi gây hại cho con người? Việc xác định tư cách pháp lý sẽ ra sao? Nếu AI tham gia vào các quan hệ xã hội làm phát sinh các vấn đề pháp lý thì sẽ được điều chỉnh như thế nào? Đây là những câu hỏi được đặt ra đối với các nhà lập pháp.
Thứ nhất, đối với vấn đề tư cách pháp lý, ở Việt Nam, chưa có một cách tiếp cận nào rõ ràng cho AI hay ChatGPT. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, tư cách chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức, do vậy sẽ là không thể nếu xác định tư cách pháp lý của AI cũng như ChatGPT là những chủ thể trong pháp luật, có quyền như một con người. Chính vì vậy không nên cố gắng xác định tư cách pháp lý của AI, mà tập trung định nghĩa của AI và các vấn đề phát sinh. Còn đối với thực thể mang AI như ChatGPT cần có quy định rõ đến việc xác định bản chất của nó.
Thứ hai, về việc đảm bảo quyền riêng tư, các quy định của pháp luật nước ta về bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân hiện nay còn sơ khai. Một số quy định có thể được bắt gặp tại Điều 21, Hiến pháp 2013; Điều 31, Bộ luật Dân sự 2015 và trong các văn bản luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, các quy định này chưa quy định rõ các cơ chế để bảo vệ cũng như ngăn chặn vấn đề vi phạm quyền riêng tư liên quan đến AI.
Bên cạnh đó, việc trí tuệ nhân tạo khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của các cá nhân cũng đặt ra vấn đề đáng quan ngại. Bởi, khi muốn tra cứu thông tin từ ChatGPT, người dùng cần phải cung cấp đầy đủ dữ liệu “đầu vào” để ChatGPT trả thông tin chính xác nhất ở “đầu ra”. Việc toàn bộ những thông tin được người dùng cung cấp sẽ trở thành cơ sở dữ liệu cho ChatGPT đặt ra câu hỏi liệu có xâm phạm đến quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, thậm chí là trục lợi từ những thông tin đã khai thác từ người dùng hay không?
Vậy, trong trường hợp ChatGPT gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Nhiều quốc gia trên thế giới đều quy trách nhiệm pháp lý của hành vi xâm phạm do AI gây ra cho cá nhân, tổ chức xác định. Ví dụ như pháp luật Châu Âu quy định “hành vi sử dụng sản phẩm chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra”, như vậy chủ thể sử dụng AI sẽ phải chịu trách nhiệm cho những xâm phạm do AI gây ra. Còn ở Việt Nam, chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu coi AI là một tài sản thì về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản, người chiếm giữ tài sản có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.
Thứ ba, đối với quyền sở hữu trí tuệ, theo Luật sư được biết, từ năm 2019, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của AI tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một vài vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến, cụ thể là: (1) Việc quy định loại công nghệ AI nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế; (2) Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ AI; (3) Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ AI hay không?
Có thể thấy, vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm, sáng chế do AI tạo ra đang tạo nên những thách thức pháp lý, bởi theo quy định pháp luật của nước ta, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được đặt ra đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra. Như vậy, nếu những sản phẩm do AI tạo ra không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thì những cá nhân, tổ chức khác có thể tự ý sử dụng và đăng ký bảo hộ đối với sản phẩm đó. Vấn đề đặt ra là nếu tranh chấp xảy ra thì xử lý như thế nào?
Ngoài ra, nếu sản phẩm do ChatGPT hay AI tạo ra được bảo hộ nhưng phần mềm này chỉ được coi là một công cụ để hỗ trợ con người tạo ra các tác phẩm, thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ được xác định như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Vì vậy, thiết nghĩ, pháp luật cần có quy định cụ thể về trường hợp này.
HOÀNG NGUYÊN
Pháp luật quy định thế nào về việc Luật sư kháng cáo thay thân chủ?