Ảnh minh họa.
Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động hướng đến nhằm hạ thấp nhân cách, uy tín của người khác như lăng mạ, tung tin đồn; quấy rối, xâm phạm quyền riêng tư;sử dụng các bình luận có tính chất khiếm nhã; truyền bá và phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo.Phương thức được sử dụng rất phong phú chủ yếu qua các bài viết, buổi livestream trên mạng xã hội; gửi tin nhắn, bình luận, chia sẻ hình ảnh riêng tư mà không có sự cho phép của họ; tạo và lan truyền thông tin giả mạo nhằm tạo ra hiểu lầm để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Chế tài xử lý
Thứ nhất, về xử lý hành chính
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội thì hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là tổ chức và bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đến người đó.
Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý về các tội sau: Tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, có mức hình cao nhất là phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, có mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài bị áp dụng hình phạt trên, tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ ba, về bồi thường thiệt hại
Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại kèm theo một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu. Mức bồi thường cũng như hình thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận.
Biện pháp phòng ngừa
Một là, tăng cường kiến thức về an toàn thông tin mạng, hiểu rõ về những mối nguy hiểm và rủi ro của việc sử dụng mạng xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân, quyền riêng tư và biết cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.
Hai là, quản lý thông tin cá nhân một cách chặt chẽ, hạn chế việc chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội như địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài chính hoặc bất kỳ thông tin cá nhân khác có thể bị lợi dụng.
Ba là, duy trì cảnh giác và tránh tham gia vào các cuộc tranh luận hoặc hành vi trực tuyến có thể gây ra căng thẳng và xung đột. Nếu trở thành nạn nhân của hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự qua mạng xã hội, hãy lưu lại bằng chứng và báo cáo sự việc cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Bốn là, giáo dục và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác động của hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác và hậu quả của nó. Tổ chức các chương trình giáo dục và thảo luận về an toàn thông tin mạng để truyền đạt thông điệp về tôn trọng và đồng thuận trong việc sử dụng mạng xã hội.
PHẠM VĂN PHƯƠNG
Toà án quân sự Quân khu 7