Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bộ Y tế.
Nhiều ca dương tính trong cộng đồng, Thủ tướng chỉ thị cấp bách phòng chống dịch
Tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của virus tại Hải Dương và Quảng Ninh, là trường hợp lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch, không để bùng phát trong cộng đồng, ngày 28/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tạm dừng hoạt động của Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn kể từ 12h00 ngày 28/01/2021; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo: Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người; quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp về đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.
* Trước đó, ngày 05/01/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo tăng cường quản lý biên giới, ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép, đặc biệt tại các tuyến đường mòn, lối mở, đường biển...
Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Ngày 18/01/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Bảo đảm cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, ngày 14/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 02/CT-TTg về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2021
Ngày 01/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Tại Nghị quyết này, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một trong những nhiệm vụ là tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Nghị quyết 02 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021
Cùng với Nghị quyết 01/NQ-CP, cũng trong ngày 01/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Nghị quyết nhằm tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau khi sáp nhập
Ngày 12/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 8 Mục III Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ.
Theo đó, các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn sau khi sáp nhập thực hiện theo nguyên tắc dự toán đối với từng bộ, cơ quan Trung ương, từng địa phương không thay đổi.
Trong đó, đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn huyện nghèo trước khi sáp nhập.
Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn trước khi sáp nhập.
Quy định đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử
Ngày 04/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó quy định đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Cụ thể, đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
Những điểm đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới
Ngày 15/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nghị định nêu rõ, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định.
Về mức phí bảo hiểm, căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
Về thời hạn bảo hiểm, Nghị định quy định đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm.
Vi phạm quy định về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Ngày 22/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các vi phạm về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
Quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
Ngày 25/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2021/NĐ-CP quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay. Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không sân bay; mở, đóng cảng hàng không, sân bay; cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay...
Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025
Ngày 27/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021, từ ngày 01/01/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định cũng quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó, về chuẩn hộ nghèo, khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo: Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số tiếp tục hưởng chính sách an sinh xã hội
Ngày 16/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72/QĐ-TTg về việc các xã, thôn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cụ thể, các xã, thôn được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành kể từ ngày 01/01/2021 đến khi Quyết định phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của cấp có thẩm quyền được ban hành và có hiệu lực.
Tiếp tục giải ngân tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo
Ngày 21/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, bỏ mốc thời gian giải ngân "đến hết ngày 31/12/2020" như quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 28/2015/QĐ-TTg.
Kéo dài thời gian hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021
Ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 03/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Theo đó, kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2021 (quy định cũ 31/12/2020).
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030
Ngày 27/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.
Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
Thủ tướng chỉ đạo công tác điều hành giá năm 2021
Ngày 27/01/2021, tại công văn 655/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.
LINH CHI
'Không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo'