(LSVN) - Quy định mới về tuổi nghỉ hưu; điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; chương trình khuyến công quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 23-27/11/2020.
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu
Chính phủ ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với: cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới.
Theo quy định, đối với khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau:
1- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
2- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
3- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
4- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Chương trình khuyến công quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu chung của Chương trình là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…
Củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chương trình đặt mục tiêu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 52% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn…
Tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải
Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, chuyển nguyên trạng 16 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để quản lý.
Tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải (gồm 5 tổ chức tham mưu giúp việc Cục trưởng và 3 trung tâm: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Giao thông vận tải, Trung tâm Giám định y khoa Giao thông vận tải, Trung tâm dạy nghề y tế Giao thông vận tải) để thành lập Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Giao thông vận tải.
Nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”.
Mục tiêu đến năm 2025 là 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
100% tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo hiểm xã hội, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, tài chính nhà nước khác xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ…
Hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lũ, dông lốc, sạt lở đất
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1913/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 tại miền Trung và Tây Nguyên.
Cụ thể, tạm cấp bổ sung 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 09 địa phương (Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 50 tỷ đồng, Quảng Trị 70 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Quảng Nam 130 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng, Kon Tum 50 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả do bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả do mưa đá, dông lốc và mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc 8 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, trích 61,876 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để hỗ trợ cho 04 địa phương khắc phục thiệt hại về nhà ở do mưa đá, dông lốc gây ra (tỉnh Bắc Kạn 13,436 tỷ đồng, Lạng Sơn 2,16 tỷ đồng, Lai Châu 38,19 tỷ đồng, Lào Cai 8 tỷ đồng).
Tạm cấp bổ sung 320 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 09 địa phương (tỉnh Hà Giang 75 tỷ đồng; Điện Biên 45 tỷ đồng; Phú Thọ, Lai Châu mỗi tỉnh 40 tỷ đồng; Cao Bằng, Tuyên Quang mỗi tỉnh 30 tỷ đồng; Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai mỗi tỉnh 20 tỷ đồng) để khắc phục thiệt hại do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất 8 tháng đầu năm 2020.
VGP