/ Đời sống - Xã hội
/ Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/9 - 2/10

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/9 - 2/10

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020; sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt; tập trung đông người tại vùng dịch bị phạt tới 40 triệu đồng;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/9 - 2/10/2020.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Mục đích của Chương trình hành động nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Kết luận số 70-KL/TW.

Đồng thời xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, hiệu quả.

17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Ngày 25/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam: 1- Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; 2- Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; 3- Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; 4- Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; 5- Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; 6- Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; 7- Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người;…

Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa

Ngày 29/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao có kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chính.

Tăng cường quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác khoáng sản

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 20/9/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai thác; kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản bằng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực liên quan đến quy hoạch rừng tự nhiên để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020

Theo Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

SV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt

Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/11/2020, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.

Quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong đó, về phân loại viên chức, theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:

Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.

Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại gồm viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo: tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp.

Tập trung đông người tại vùng dịch bị phạt tới 40 triệu đồng

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng

Tại văn bản số 8206/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nêu cao tính gương mẫu, thường xuyên kiểm tra, rà soát, phòng ngừa, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng.

Xử lý nghiêm hành vi ép buộc học sinh mua sách tham khảo

Ngày 26/09/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 346/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trong đó, về sách giáo khoa, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo.

CHÍ KIÊN/VGP

/quang-ninh-quy-chuan-chat-luong-nao-cho-cong-trinh-duong-giao-thong-tram-ti-tai-xa-ban-sen.html