Mẫu thẻ căn cước cho trẻ dưới 06 tuổi.
Ngày 01/7, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và công bố dịch vụ xác thực điện tử kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Tại buổi lễ, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng tiến hành trao thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước cho 10 công dân đầu tiên, gồm người dưới 6 tuổi, người từ 6 tuổi trở lên và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, mẫu thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước sẽ giúp người dân tham gia môi trường điện tử an toàn, minh bạch, tiện lợi, giảm thiểu rủi ro, thời gian cũng như tiết kiệm chi phí.
Thẻ căn cước, căn cước điện tử cũng góp phần giảm thiểu được lượng giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy giá trị của việc khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước (nhất là xác thực thông tin cá nhân).
Đồng thời, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng khi được cấp, sử dụng thẻ căn cước.
Qua đó giúp họ thuận lợi hơn khi tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống và thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.
Cũng theo vị đại diện, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam giúp bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ, tạo điều kiện cho họ được sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam, thuận tiện trong thực hiện giao dịch, đi lại và các hoạt động khác.
Đối với doanh nghiệp, tiện ích liên quan căn cước điện tử giúp doanh nghiệp được khai thác, sử dụng dữ liệu gốc từ cơ sở dữ liệu và thẻ căn cước, thẻ căn cước điện tử, dịch vụ xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, giảm thiểu rủi ro trên môi trường điện tử.
Theo Thông tư 16/2024/TT-BCA của Bộ Công an, ở mặt trước của thẻ căn cước, dòng chữ "Căn cước công dân" đổi thành "Căn cước". "Số" chuyển thành "Số định danh cá nhân". Dòng chữ "Họ và tên" thành "Họ, chữ đệm và tên khai sinh".
Dữ liệu "Ngày sinh" được đổi thành "Ngày, tháng, năm sinh". Dòng chữ "Có giá trị đến" ở phía dưới ảnh chân dung tại mặt trước chuyển sang mặt sau và đổi thành "Ngày, tháng, năm hết hạn".
Tại mặt sau, thay đổi đáng kể nhất là thẻ căn cước mẫu mới sẽ được in mã QR so với in ở mặt trước như căn cước công dân gắn chip đang lưu hành. Trong khi đó, thông tin "Nơi thường trú" đổi thành "Nơi cư trú", "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh".
Bên cạnh đó, các dữ liệu về đặc điểm nhận dạng, vân tay bị lược bỏ so với mẫu cũ. Còn dòng chữ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" đổi thành "Bộ Công an".
Những dữ liệu còn lại ở mặt trước của thẻ căn cước mẫu mới được giữ nguyên cùng với bố cục, 2 mặt của thẻ căn cước in hoa văn màu xanh chuyển ở giữa màu vàng đến xanh. Nền mặt trước gồm bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết truyền thống trang trí. Nền mặt sau gồm các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.
Hình Quốc huy và ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước (đối với thẻ cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên) được in màu trực tiếp trên thẻ căn cước. Ngoài ra, thẻ căn cước được in tiếng Việt và tiếng Anh.
TRẦN VỸ (t/h)
Các chính sách bảo hiểm xã hội mới có lợi cho người lao động từ 01/01/2025