Chia sẻ về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm, hôm 24/10, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan khẳng định đơn vị đang trong giai đoạn tăng tốc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong đó, đơn vị đạt doanh thu thuần hơn 60.000 tỷ, còn lợi nhuận sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng. Theo người đứng đầu, doanh nghiệp bứt phá kết quả kinh doanh nhờ tập trung vào các chiến lược trung hạn, tiến sát kịch bản tích cực 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số, trong năm 2024. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong năm 2025 với kỳ vọng ở mức hai con số.
Tập trung cho "đầu tàu" tiêu dùng bán lẻ
Chiến lược ông Nguyễn Đăng Quang nhắc tới là tập trung vào tăng lợi nhuận từ mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi của Masan. Trụ cột của mảng này từ các đơn vị như Masan Consumer Corporation (MCH), WinCommere (WCM) và Masan MEATLife (MML).
Với MCH, quý III/2024 ghi nhận mức doanh thu thuần 7.900 tỷ đồng. Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu bằng cách tiếp tục thực hiện chiến lược cao cấp hóa các ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, đổi mới ngành hàng đồ uống, chăm sóc gia đình - cá nhân và cà phê hòa tan.
Cửa hàng WinMart tại Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Masan
Masan Consumer sở hữu 5 thương hiệu lớn đạt doanh thu hàng năm ở mức 150-250 triệu USD gồm Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Wake-up. Để đẩy doanh thu, lợi nhuận tăng nhanh, đơn vị kỳ vọng có thêm một thương hiệu tỷ USD ngay trong năm nay bằng chiến lược "Go Global". Mục tiêu 10-20% doanh thu đến từ thị trường quốc tế. Xa hơn, tầm nhìn của Masan là quảng bá hương vị Việt đến 8 tỷ người tiêu dùng toàn cầu..
WinCommerce vừa có quý đầu tiên kể từ dịch Covid-19 đạt lợi nhuận sau thuế dương, đạt 20 tỷ đồng. Theo Masan, kết quả này đến từ quá trình điều chỉnh chiến lược liên tục và đơn vị đã tìm ra "công thức" của mô hình cửa hàng thành công để tăng trưởng trong dài hạn. WCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng LFL đồng thời tăng tốc độ mở mới để đạt 100 cửa hàng mỗi quý. Đơn vị sẽ tiếp tục củng cố vị thế ở khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural đã chứng minh hiệu quả nhờ bán các mặt hàng tươi sống, bình ổn giá, phù hợp túi tiền đại đa số người dân.
Masan MEATLife (MML) sẽ tiếp tục tập trung cho mảng thịt chế biến với những thương hiệu quan trọng như MEATDeli, Heo Cao Bồi và Ponnie. Doanh thu thuần của đơn vị 9 tháng đầu năm tăng 4,6% trong khi lợi nhuận gộp tăng đến hơn 83% so với cùng kỳ.
Tăng giá trị từ chương trình hội viên WIN
Bên cạnh tăng giá trị cho mảng kinh doanh bán lẻ cốt lõi, chiến lược của ông lớn ngành tiêu dùng thời gian tới còn nằm ở tối ưu hóa chương trình hội viên WIN để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và các thương hiệu đối tác. Hội viên sẽ được ưu đãi về giá khi mua thịt MEATDeli, rau WinEco và hàng trăm mặt hàng khác tại hơn 3.700 cửa hàng WinCommerce.
Cửa hàng WIN phục vụ khách thành thị. Ảnh: Masan
Đây là bước đi chiến lược để tối ưu hóa các khoản chi phí, giảm nỗi lo cho người tiêu dùng khi mua sắm. Điều này kích thích mua sắm, gia tăng doanh số cho chuỗi bán lẻ WinCommerce cùng hệ sinh thái các sản phẩm khác của Masan và đóng góp vào tổng cầu chung của thị trường.
Sau hơn một năm triển khai, 10 triệu người đã đăng ký gói hội viên với giá trị giỏ hàng cao hơn hai lần so với mức bình thường. Thời gian tới, WinCommerce tiếp tục cải tiến các chính sách, ưu đãi. Theo tính toán, đơn vị có thể hút đến 30 triệu thành viên vào cuối năm 2025.
Tái cấu trúc nhiều hoạt động
Lãnh đạo Masan khẳng định đơn vị giảm nợ hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính; giảm sở hữu ở các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành song vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ. Kết thúc quý III/2024, tổng nợ vay khoảng 65.000 tỷ đồng, đã giảm khoảng 4.000 tỷ so với thời điểm kết thúc năm tài chính 2023.
Các mảng kinh doanh chưa mang về hiệu quả hoặc các hoạt động tốn chi phí được Masan mạnh tay điều chỉnh. Chẳng hạn, với MML, đơn vị đã tái cấu trúc mảng trang trại gà bằng cách giảm quy mô trong bối cảnh thị trường biến động. MCH cũng cắt giảm xúc tiến thương mại để dành nguồn lực đầu tư vào các hoạt động có tỷ suất hoàn vốn (ROI) cao hơn như phát triển kênh mới và tiếp thị xây dựng thương hiệu, giúp tối ưu hóa chi phí hoạt động trên doanh thu thêm 70 điểm cơ bản.
Riêng với Masan High-Tech Meterials (MHT), đơn vị đang tập trung vào việc bán lượng đồng tồn kho và bán nhà máy H.C. Starck cho Mitsubishi Materials Corporation. Thương vụ dự kiến hoàn tất ngay cuối năm. Số tiền thu được từ giao dịch giúp đơn vị giải tỏa khỏi khoản nợ từ quỹ hưu trí của HCS với giá trị khoảng 196 triệu USD tính đến quý III/2024.
Tham vọng thành ông lớn khu vực
Bức tranh tài chính và hoạt động kinh doanh nhiều mảng màu sáng của Masan tạo tiền đề để doanh nghiệp tự tin với chiến lược Go Global được triển khai tại mảng tiêu dùng tại Masan Consumer.
Gần đây, đơn vị công bố kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu MCH của Masan Consumer từ sàn UPCoM sang sàn HoSE, mang đến tiềm năng tăng thanh khoản, phù hợp với tình hình hoạt động hiện tại.
Xét trên doanh thu 6 năm gần nhất (2017-2023), Masan Consumer duy trì mức tăng trưởng bình quân hai con số, đạt 13,5%. Biên lợi nhuận sau thuế trong cùng giai đoạn đạt mức tăng trưởng bình quân đến 20,3%. Con số này cao gấp đôi so với nhóm các doanh nghiệp đồng hạng trên thị trường khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines). Cụ thể, tăng trưởng doanh thu bình quân của nhóm doanh nghiệp này đạt 6,4% còn biên lợi nhuận sau thuế đạt 11,6%.
Trong báo cáo của HSC đầu quý III/2024, hệ số P/E của Masan Consumer 12 tháng gần nhất đạt 18,1, thấp hơn khoảng 40% so với mức trung bình 29,1 của các doanh nghiệp trong khu vực. Dự báo năm 2025 là 17.5. Đơn vị đang có giá trị vốn hóa "rẻ" so với nhóm đồng hạng. Dù tăng trưởng gấp đôi về mặt doanh thu và biên lợi nhuận nhưng cổ phiếu đơn vị đang giao dịch ở hệ số P/E thấp hơn.
Với triển vọng tăng trưởng, báo cáo HSC đánh giá MCH đang hấp dẫn hơn so với khu vực, khi PEG 3 năm là 1.77 và ROAE đạt 37%. trong khi mức PEG trung bình của các công ty cùng ngành đạt 3.41 và ROAE trung bình chỉ 26%.
Kỳ vọng vươn tầm khu vực của Masan Consumer cũng có thêm cú huých. Giữa tháng 9, Bộ Tài chính thông qua thông tư liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền (non-pre-funding) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây là bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell đồng thời cũng tác động tích cực đến những doanh nghiệp có kế hoạch IPO trong năm 2025 như Masan Consumer.
Báo cáo của SSI tháng 6 cũng đưa ra dự báo "khả quan" về tiềm năng phát triển của tập đoàn, nâng dự báo doanh thu thuần 2024 từ 84.000 lên 93.000 tỷ đồng. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì sang 2025 nhờ tận dụng nền tảng bán lẻ (WCM) và khả năng phát triển, tung sản phẩm mới ra thị trường. Doanh thu có thể đạt được gần 100.000 tỷ đồng.
Nhìn trên bức tranh dài hạn, SSI cũng cho rằng Masan có thể là một đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam.