Quân ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột. (Ảnh tư liệu)
Chọn hướng tấn công
Trong một trận đánh, hay một chiến dịch chọn hướng tấn công vô cùng quan trọng. Nó quyết định đến thắng hay bại. Trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 quân địch không nắm được hướng tấn công chủ yếu của ta. Trong những ngày quân ta sắp nổ súng mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên cả quân Mỹ và quân Ngụy đều cho rằng hướng tấn công chủ yếu của quân ta là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Nên chúng cho 4 sư đoàn thiện chiến bảo vệ vùng này.
Hướng tấn công của ta làm cho quân địch hoàn toàn bất ngờ. Trong Hội nghị khai mạc ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị đề ra hai hướng để chọn trong chiến dịch. Đó là Tây Nguyên, mà trọng điểm Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Nhưng Tây Nguyên là hướng chiến lược vô cùng quan trọng, bởi đây là vùng núi hiểm trở, ta có điều kiện bí mật triển khai lực lượng. Tây Nguyên vùng chiến thuật II quân Ngụy. Ở đây, địch chỉ bố trí 1 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn quân biệt động, 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, nhưng tập trung ở Pleiku, Kon Tum, còn Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột thì sơ hở.
Đánh vào Tây Nguyên sẽ cắt đứt hệ thống bố trí của địch làm đôi. Bộ Tổng tham mưu của ta qua nhiều cuộc thảo luận bí mật, thấy khó khăn là thiếu đường cơ động để bố trí binh khí kỹ thuật. Đồng chí Hoàng Minh Thảo, một vị tướng cầm quân dạn dày trận mạc, am hiểu chiến trường Tây Nguyên đề nghị chọn hướng tấn công Nam Tây Nguyên. Học viện quân sự cấp cao ra bài tập cho học viên chọn hướng tấn công đánh lớn vào miền Nam. Đáp án chủ yếu của học viên là Tây Nguyên, mục tiêu đánh đầu tiên là Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở đó, trong Hội nghị ngày 13/12/1974 Bộ Chính trị đã quyết định hướng tấn công chiến lược chủ yếu là Nam Tây Nguyên, mục tiêu chính là Buôn Ma Thuột , mở đầu cuộc tấn công lớn của bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Mùa xuân 1975.
Trận Buôn Ma Thuột “đòn hiểm” mở màn chiến dịch
Đúng 02h sáng ngày 10/3/1975, bộ đội đặc công của ta nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã, kho Mai Hắc Đế, mở màn cho cuộc tấn công Buôn Ma Thuột.
Xe tăng 980 của Trung đoàn tăng thiết giáp 273 húc đổ cổng Bộ Tư lệnh sư đoàn 23 quân Ngụy, giải phóng Buôn Ma Thuột. ( Ảnh tư liệu).
Với lối đánh luồn sâu, táo bạo, phối hợp nhịp nhàng tấn công của các mũi, làm cho quân địch hoàn toàn bị động, bất ngờ, lực lượng tinh nhuệ của ta phá hỏng 7 máy bay, chiếm một góc sân bay Hòa Bình và kho Mai Hắc Đế. Vào lúc 07h15, pháo binh của ta đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch. Sở chỉ huy tiểu khu và khu thiết giáp. 9h bộ binh của ta được xe tăng yếm trợ đánh chiếm sở chỉ huy tiểu khu. Quân địch chống trả quyết liệt. Nhưng không chống cự nổi trước tấn công linh hoạt thiện chiến của bộ binh, sức công phá của xe tăng. Đến 13h30, phút quân ta làm chủ hoàn toàn sở chỉ huy tiểu khu tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi đánh chiến tiểu khu tỉnh Đắc Lắc một mũi quân ta tấn công đánh chiếm khu trung tâm thông tin và áp sát sư đoàn bộ sư đoàn 23.
07h30 ngày 11/3, pháo binh của ta nổ súng vào Sư đoàn bộ sư đoàn 23. Sau 30 phút xe tăng, bộ binh quân giải phóng 4 hướng tấn công vào Sư đoàn bộ sư đoàn 23. Không chịu nổi sức tấn công của quân ta, 8h15 tên Sư đoàn Phó tham mưu bỏ chạy. Tìm được 2 hầm ngầm, quân ta bắt được Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Đắk Lắk - Đại tá Nguyễn Trọng Luật và một số sĩ quan. Sau đó quân ta bắt Sư đoàn Phó, Đại tá Vũ Thế Quang ngoài đồn điền cao su.
Đánh chiếm Sư đoàn bộ 23 thừa thắng quân ta đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 45, giải phóng khu quân cảnh, cảnh sát. Đúng 10h30 ngày 11/3/1975, quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, bắt hàng nghìn quân địch, thu nhiều vũ khí, trang bị.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột làm cho quân địch choáng váng, buộc phải rút bỏ Tây Nguyên. Chiến thắng Buôn Ma Thuột mở đầu cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 tạo sức mạnh toàn diện mới trên chiến trường. Tạo ra sự thay đổi về tinh thần, tư tưởng, quân địch hoang mang, bạc nhược, tháo chạy, quân ta khí thế hừng hực, thừa thắng xốc tới, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
HẢI HƯNG