/ Đời sống - Xã hội
/ Chiến thắng ma túy - Chặng đường gian nan

Chiến thắng ma túy - Chặng đường gian nan

16/06/2021 07:34 |

(LSVN) - Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình nghiện ma túy vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, số lượng người nghiện ngày càng tăng và phần lớn sống ngoài xã hội.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy tại học đường. 

Dựa vào thông tin về kết quả công tác cai nghiện ma túy 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người đang trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người trong trại tạm giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng. Hàng năm có khoảng 1.600 người nghiện ma túy tử vong do sốc thuốc, 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đáng lo ngại hơn, trong số 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 chiếm 48%. Đây là những con số đáng báo động.

Tại Hội thảo về công tác phòng, chống tội phạm chiều ngày 4/11/2019, đại biểu Triệu Thanh Dung (tỉnh Cao Bằng) cho biết tỷ lệ tái nghiện sau cai lên đến 90%. Những bất cập trong hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng như cai nghiện bắt buộc dẫn đến hiệu quả của công tác cai nghiện rơi vào bế tắc. Giai đoạn 2009 - 2016, cả nước có 51.926 lượt người cai nghiện tại gia đình và tổ chức cai nghiện tự nguyện thì năm 2018 đã giảm mạnh chỉ còn 4.320 lượt người.

“Số lượng giảm nhanh là điều dễ hiểu bởi hình thức này dù phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng lại không khả thi trên thực tế vì phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người nghiện. Cai nghiện tại gia đình và tại tổ chức cai nghiện tự nguyện sẽ thiếu cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn, hạn chế, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ sau cắt cơn và người cai nghiện không được hỗ trợ kinh phí", đại biểu Dung nêu rõ.

Đối với cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, nếu giai đoạn 2009 - 2016 có khoảng 43.000 lượt người cai nghiện thì giai đoạn 2017 - 2018, con số này giảm là 25.000 lượt người. Nguyên nhân là do những quy định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vừa phức tạp, vừa chồng chéo.

Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống ma túy theo hướng chuyên môn hóa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy là cực kỳ cần thiết giúp giảm tỷ lệ người nghiện ma túy và cai nghiện hiệu quả. Trong đó, việc đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền phòng, chống ma túy là ưu tiên hàng đầu đối với mỗi quốc gia. Đặc biệt, cần tập trung đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền, hướng vào đối tượng thanh thiếu niên, phát huy tối đa các hình thức tuyên truyền truyền thống, đồng thời tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet, mạng xã hội trong việc phòng chống ma túy.

Cuộc chiến phòng chống ma túy ngày càng khó khăn và phức tạp, với sự manh động, liều lĩnh của các băng nhóm tội phạm, gây áp lực với Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Điều đó chứng tỏ rằng, cuộc chiến chống ma túy là một cuộc chiến lâu dài, khắc nghiệt. 

PV

Chính thức bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho công chức hành chính

Nguyễn Mỹ Linh