CHIỀU

16/07/2022 02:32 | 2 năm trước

1. Bổ sung quy định về tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Dự thảo bổ sung quy định về "Tiền lãi danh nghĩa TPCP" như sau:

Trường hợp KBNN nhận được tiền lãi danh nghĩa TPCP trong thời gian mua lại có kỳ hạn TPCP, KBNN có trách nhiệm hoàn trả số tiền lãi danh nghĩa TPCP đã nhận được cho các ngân hàng thương mại theo mã TPCP mà KBNN nhận được tiền lãi danh nghĩa. Việc hoàn trả tiền lãi danh nghĩa TPCP được thực hiện bên ngoài hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch Chứng khoán trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày thực thanh toán lãi trái phiếu.

Trường hợp chuyển tiền lãi danh nghĩa chậm, KBNN có trách nhiệm thanh toán tiền phạt chậm thanh toán cho ngân hàng thương mại đối với số ngày chậm thanh toán theo mức lãi suất chậm thanh toán theo quy định.

Về công bố thông tin: Chậm nhất vào ngày làm việc cuối cùng của tuần liền kề trước tuần thực hiện giao dịch, KBNN công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của KBNN về lịch biểu giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP dự kiến của tuần thực hiện giao dịch tiếp theo; đồng thời, cung cấp thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán để đăng tải trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán.

Chậm nhất ngày 10 hàng tháng, KBNN công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của KBNN về kết quả mua lại có kỳ hạn TPCP trong tháng liền kề trước đó (khối lượng, lãi suất mua lại có kỳ hạn TPCP bình quân gia quyền tương ứng với loại kỳ hạn).

DUY ANH

Hướng dẫn sử dụng biên lai điện tử theo quy định mới

2. Phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

(LSVN) - Một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công thương là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Nghĩa là môi trường ấy đảm bảo được lợi ích hài hòa của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội. Cạnh tranh trong kinh doanh tất yếu phải có nhưng trong một môi trường kinh doanh lành mạnh thì thủ đoạn chụp giật, câu kết, nâng giá, tạo khan hiếm giả, đầu cơ, móc túi người tiêu dùng,… sẽ bị hạn chế và loại trừ.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, còn lâu xã hội ta mới đạt được một môi trường kinh doanh lành mạnh bởi trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều nhìn thấy sự thao túng giá cả từ bất động sản cho đến các mặt hàng thiết yếu, thịnh hành sự lừa dối khách hàng từ chất lượng sản phẩm cho đến những cam kết bảo hành.

Lẽ ra, Bộ Công thương nên tập trung vào việc điều hành và quản lý từ vĩ mô đến vi mô để có một môi trường kinh doanh lành mạnh, xử lý và tháo gỡ những vật cản, tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng cho thương trường và năng lực cạnh tranh nhưng thực tế không như mong muốn, cơ quan quản lý đặt ra những quy định hoặc bất hợp lý hoặc không thể khả thi, làm khó cho người kinh doanh và cho cả người tiêu dùng như mới đây dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình thương mại là một ví dụ. 

Nhưng quy định này dựa trên một văn bản đã ban hành cách đây gần 20 năm thì đã là lạc hậu, đã rất cần một nghị định mới thay thế để phù hợp với hiện tại. Tình hình đã thay đổi rất nhiều so với 20 năm trước khi các loại hình kinh doanh khác nhau “nở rộ” ở nước ta và cái cách buôn bán trong thời buổi 4.0 với sự trợ giúp của công nghệ thì cách quản lý cũng phải “4.0” chứ!

Những cái xem ra là vụn vặt như treo biển tên đúng quy định, như phân loại cửa hàng tiện ích với hiệu tạp hóa,… có lẽ là nó chẳng giúp gì cho việc thúc đẩy một một trường kinh doanh lành mạnh và nhà nước cũng chẳng thu thêm được đồng thuế nào. Nhưng vô lý nhất là dự thảo đưa ra cái quy định cửa hàng tiện ích chỉ được bán cho dân cư trong bán kính 500 mét. Hãy tưởng tượng khi quy định này thành hiện thực thì người tiêu dùng hẳn phải mang Sổ hộ khẩu theo, hoặc nhân viên cửa hàng phải kiểm tra Căn cước công dân khách hàng. Quan trọng nhất là cái quy định bất hợp lý này dù có thành bắt buộc thì cũng bất khả thi.

Cái dự thảo đó dù không tác động lớn đến môi trường kinh doanh của toàn xã hội nhưng nó thể hiện “cái tầm, cái tâm” của những người soạn thảo ra nó. Cứ quản lý và đưa ra quy định theo kiểu “ngực lép không được lái xe” hoặc “cao dưới 1,6m không được lái tàu” thì xã hội còn phải chờ đợi rất lâu mới có một môi trường kinh doanh lành mạnh!

NHỊ NGỌC

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh

3. Saudi Arabia và Mỹ ký kết 18 thỏa thuận hợp tác

(LSVN) - Saudi Arabia và Mỹ đã ký kết 18 thỏa thuận hợp tác thuộc các lĩnh vực không gian, đầu tư, năng lượng và y tế, phù hợp với Kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực có triển vọng.

Toàn cảnh nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.

Chính phủ Saudi Arabia cho biết các thỏa thuận này sẽ mở ra con đường mới cho sự hợp tác chung giữa quốc gia Trung Đông này và Mỹ trong các lĩnh vực đầu tư, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), không gian và y tế. Trong các thỏa thuận nói trên có thỏa thuận hợp tác thăm dò chung Mặt Trăng và Sao Hỏa giữa Cơ quan Không gian Saudi Arabia và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Các doanh nghiệp Mỹ tham gia ký kết gồm có Boeing, Raytheon Defense Industries, Medtronic and Digital Diagnostics, IKVIA và nhiều công ty khác thuộc các lĩnh vực năng lượng, du lịch, giáo dục, chế tạo và dệt may. 

Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Saudi Arabia (MCIT) ký bản ghi nhớ với tập đoàn IBM của Mỹ nhằm nâng cao kỹ năng cho 100.000 thanh niên trẻ của Saudi Arabia trong vòng 5 năm, qua đó có thể giúp định vị Saudi Arabia như một trung tâm công nghệ và đổi mới ở Trung Đông và Bắc Phi.

MCIT cũng hoàn tất một thỏa thuận với đối tác Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về công nghệ 5G và 6G. Thỏa thuận này đặt mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và nâng cao tốc độ nghiên cứu, phát triển và đổi mới trong hệ sinh thái kỹ thuật số của Saudi Arabia. Hai nước cũng ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thành phố Jeddah của Saudi Arabia vào tối 15/7, nơi ông có cuộc gặp với Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman.

Saudi Arabia là chặng dừng chân thứ 3 của ông Biden trong chuyến công du Trung Đông, bắt đầu từ ngày 14/7. Trước đó, ông đã tới Israel hội đàm với Thủ tướng Yair Lapid và tới Palestine gặp Tổng thống Mahmoud Abbas.

PV/TTXVN

Hướng dẫn sử dụng biên lai điện tử theo quy định mới