Chiều

24/07/2022 02:52 | 2 năm trước

1. Hà Nội: 8 trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023

(LSVN) - Ngày 23/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có thông báo về việc một số đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023.  

Ảnh minh họa.

Theo đó, có 8 đơn vị, trường học chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 năm học 2022- 2023 gồm: Trường Trung học phổ thông Đặng Thai Mai, Trường Trung học phổ thông Hà Nội, Trường Trung học phổ thông Đại Việt, Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 18/01/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị, nhà trường hướng dẫn về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Căn cứ hồ sơ xác định chỉ tiêu của các nhà trường, kết luận của Hội đồng giao chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo công khai các đơn vị chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023.  

MAI HUỆ

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết

2.Thủ tướng Australia kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt

(LSVN) - Theo phóng viên tại Sydney, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 24/7 kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt chống lại Australia vì lợi ích của cả hai nước.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: AFP/TTXVN.

Phát biểu trên đài Skynews, Thủ tướng Albanese nhắc lại quan điểm của chính phủ mới ở Australia mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong khi vẫn kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Ông Albanese khẳng định việc Trung Quốc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt chống lại Australia sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Quan hệ Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng dưới thời của cựu Thủ tướng Scott Morrison. Căng thẳng chính trị và thương mại giữa hai nước khiến một số ngành công nghiệp của Australia vào thế khó khi Trung Quốc áp lệnh trừng phạt hoặc cấm nhập hàng hóa của Canberra.    

Trong thời gian gần đây đã xuất hiện những đồn đại trên truyền thông Australia về khả năng Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than của Australia, một động thái được cho là bước đột phá lớn trong quan hệ Australia-Trung Quốc, và sẽ là một chiến thắng cho chính phủ của Thủ tướng Albanese kể từ khi lên nắm quyền vào cuối tháng 5/2022.

HOA LÊ/TTXVN

Vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ nguyên tắc PICC

3. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(LSVN) - Ủy ban Dân tộc vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó có tiểu dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Thông tư nêu rõ, đối tượng áp dụng của tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) bao gồm:

- Các xã, thôn bản ĐBKK (xã khu vực III, các thôn, bản ĐBKK), xã an toàn khu khu vực I, II (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã chưa được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135).

- Các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN (đối với nội dung đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã).

Nội dung thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Mục III Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Việc triển khai thực hiện các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN, ưu tiên đối với các xã ĐBKK, thôn ĐBKK phải đảm bảo tất cả các xã, thôn thuộc diện đầu tư được phân bổ vốn của của tiểu dự án; phân bổ vốn đầu tư các công trình đặc thù thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Các công trình sử dụng nguồn vốn Chương trình phải gắn biển công trình với các nội dung: Tên công trình; Nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; Chủ đầu tư; Đơn vị thi công; Tổng vốn đầu tư; Quy mô công trình; Thời gian khởi công; Thời gian hoàn thành.

Thông tư quy định căn cứ vào mức độ ưu tiên và tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện được tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để đầu tư khởi công mới một số công trình mà người dân có nhu cầu cấp thiết tại xã, thôn ĐBKK theo hình thức luân phiên, nhưng phải đảm bảo vốn đầu tư không vượt quá tổng vốn đầu tư phát triển dự kiến phân bổ cho xã, thôn theo giai đoạn.

Đối với các công trình áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thì quy trình triển khai thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh.

Đối với công trình không áp dụng cơ chế đặc thù, quy trình triển khai thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định có liên quan.

Về duy tu, bảo dưỡng và quản lý, vận hành công trình: Những công trình phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn do UBND cấp xã quản lý được sử dụng kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng của tiểu dự án để thực hiện; không sử dụng kinh phí của Tiểu dự án để duy tu, bảo dưỡng công trình đã bàn giao cho hộ, nhóm hộ quản lý sử dụng.

Kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng chỉ sử dụng cho sửa chữa nhỏ, tu bổ, bảo trì thường xuyên nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình; không sử dụng cho xây mới, nâng cấp, sửa chữa lớn công trình.

UBND cấp xã là chủ đầu tư đối với nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình. Hằng năm, căn cứ quy trình duy tu, bảo dưỡng do UBND cấp tỉnh ban hành và hiện trạng công trình trên địa bàn xã, UBND cấp xã lập danh mục công trình, hạng mục công trình cần duy tu, bảo dưỡng; thông báo, đồng thời tổ chức thảo luận công khai kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đến người dân và cộng đồng; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kinh phí duy tu, bảo dưỡng từng công trình và hoàn thiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn xã, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua, đồng thời gửi UBND cấp huyện tổng hợp; ưu tiên duy tu bảo dưỡng đối với những công trình cấp thiết trên địa bàn xã, thôn bản ĐBKK nhất trước.

VĂN QUANG

Vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ nguyên tắc PICC

CHIỀU

1. Các phần di sản nào được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật 

(LSVN) - Theo quy định hiện hành, các phần di sản nào được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật?

Ảnh minh họa.

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 650, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Luật cũng quy định rõ những trường hợp thừa kế theo pháp luật. Theo đó, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

HỒNG HẠNH

Từ ngày 01/7/2022 sẽ chuyển đổi sang hệ thống đấu thầu mới

2. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm về kiểm sát giải quyết vụ án 'Tranh chấp hợp đồng tín dụng'

(LSVN) - Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn Ngân hàng TMCP A với bị đơn Công ty TNHH VT và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bà Hà Thị Hải Y. tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM-PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.

Ảnh minh họa.

Nội dung vụ án

Ngày 13/5/2016, Ngân hàng TMCP A - Chi nhánh QB (viết tắt là Ngân hàng) đã ký kết với Công ty TNHH VT (viết tắt là Công ty) 03 Hợp đồng tín dụng và được giải ngân với tổng số tiền là 3.520.000.000 đồng. Các khoản vay này được đảm bảo bằng các biện pháp bảo đảm:

+ Hợp đồng thế chấp tài sản số QBLBĐDN.07.220415 được ký kết giữa ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. với Ngân hàng ngày 27/4/2015, thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 tại phường ĐP, thành phố ĐH, tỉnh QB thuộc quyền sở hữu của ông Hà Công D. và bà Phạm Thị Q. theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347176 do UBND thị xã ĐH cấp ngày 04/12/2003.

+ Hợp đồng thế chấp tài sản số QBI.BDDN.03.050314 ngày 11/3/2014, thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 15, tờ bản đồ số 15 tại phường HĐ, thành phố ĐH thuộc quyền sở hữu của ông Lê Quang C. và bà Trần Thị H. theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 186571 do UBND thành phố ĐH cấp ngày 09/8/2005.

+ Chứng thư bảo lãnh của ông Lê M. và bà Trần Thị G. bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bên được cấp tín dụng với Ngân hàng.

Quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng, Công ty vi phạm nghĩa vụ cam kết trả nợ. Do đó, ngày 20/8/2018 Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Buộc Công ty thanh toán cho Ngân hàng tổng số dư nợ còn thiếu tính đến ngày 16/12/2019 là 4.849.554.305 đồng (gồm nợ gốc 3.520.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn 918.102.657 đồng; lãi quá hạn 375.579.965 đồng; lãi chậm trả 35.871.683 đồng).

2. Nếu Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm thế chấp để thu hồi nợ.

Quá trình giải quyết vụ án

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của TAND thành phố ĐH, tỉnh QB quyết định: “1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A...

4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, về yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của ông D., bà Q. để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Công ty.

5. Chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ có yêu cầu liên quan độc lập chị Hà Thị Hải Y., tuyên bố Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số QBLBĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 được ký kết giữa bên thế chấp ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q.; bên nhận thế chấp Ngân hàng A đối với tài sản thế chấp là thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52, diện tích 248.8m2, tại phường ĐP, thành phố ĐH, tỉnh QB theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347167 do UBND thị xã ĐH cấp ngày 04/12/2003 mang tên hộ ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. là vô hiệu.”.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM-PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB sửa Bản án sơ thẩm, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A, bác yêu cầu độc lập của bà Hà Thị Hải Y.

Sau khi xét xử phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là bà Hà Thị Hải Y. có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/KDTM-GĐT ngày 30/11/2021, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM-PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của TAND thành phố ĐH, tỉnh QB.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Hợp đồng thế chấp số QBIBĐDN.07.220415 ký kết giữa ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. với Ngân hàng ngày 27/4/2015 thể hiện tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347167 ngày 04/12/2003 đứng tên Hộ gia đình ông Hà Công D. và bà Phạm Thị Q., hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đều thể hiện là cấp đất cho hộ gia đình ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. Tuy nhiên, khi ký kết Hợp đồng thế chấp chỉ có ông D. và bà Q. ký vào hợp đồng thế chấp, các thành viên trong hộ không ký, không có ủy quyền hoặc có văn bản đồng ý là trái quy định quy định tại khoản 1, 2 Điều 111; khoản 1, 2 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ và khoản 2 Điều 109, khoản 2 Điều 223, khoản 2 Điều 217 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 29 Điều 3, Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Mặt khác, tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp ngày 27/4/2015, ông D. là người bị mù lòa nhưng chỉ có một người làm chứng là trái quy định của khoản 3 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo Biên bản xem xét thẩm định của Tòa án cấp phúc thẩm ngày 28/4/2020, thể hiện tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 đem thế chấp có 02 ngôi nhà: 01 ngôi nhà của bà Q. và ông D.; 01 ngôi nhà của bố mẹ ông D. là cụ Hà Công T. (chết năm 1978) và cụ Nguyễn Thị L. (chết năm 1999) để lại và hiện tại ông Hà Công Đ. đang quản lý, sử dụng, nhưng hồ sơ thế chấp không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Hà Công Đ. biết việc thế chấp tài sản này, không có giấy tờ chứng minh ông D. đã được thừa kế; Tòa án cấp phúc thẩm nhận định cho rằng: “Về mặt pháp lý thì nhà ở này thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông D. nhận thừa kế của bố mẹ” để hợp pháp hóa chủ quyền nhà đất thế chấp là chưa phù hợp với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của ông Đ. và những người thừa kế của cụ Hà Công T., cụ Nguyễn Thị L.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng thế chấp số QBI.BĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 bị vô hiệu là có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc xử lý tài sản thế chấp thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 tọa lạc tại phường ĐP, thị xã ĐH, tỉnh QB là không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng thế chấp số QBI.BĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 thì ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. chỉ bảo đảm cho khoản vay cao nhất là 1.830.000.000 đồng nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên: “Trường hợp khi bản án có hiệu lực pháp luật mà Công ty TNHH VT không trả được nợ, ông Lê M và bà Trần Thị G không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH VT thì Ngân hàng TMCP A có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản để đảm bảo thu hồi nợ theo các hợp đồng thế chấp tài sản số QBI.BĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 được ký kết giữa ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. với bên nhận thế chấp Ngân hàng TMCP A theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347167 ngày 04/12/2003...” có nghĩa là tài sản thế chấp của ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. bảo đảm cho toàn bộ số nợ gốc 3.520.000.000 đồng và lãi phát sinh của Công ty TNHH VT là không đúng theo thỏa thuận và không phân định rõ trách nhiệm bảo đảm của ông Hà Công D, bà Phạm Thị Q là không đúng. Do đó, Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/KDTM-GĐT ngày 30/11/2021 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵngđã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của TAND thành phố ĐH, tỉnh QB.

PV

Thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022

3. Khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch

(LSVN) –

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 06/QĐ-TTg ban hành phê duyệt triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án).

Đề án ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử để phục vụ 05 nhóm tiện ích. Đề án xác định rõ đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp được hưởng các tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua định danh điện tử. Trong đó, dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, là nền tảng để kết nối, chia sẻ với các hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các TTHC theo nguyên tắc không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Đề án trong lĩnh vực hộ tịch như về cung cấp dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch; việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu, cập nhật dữ liệu hộ tịch và việc số hóa dữ liệu hộ tịch, phục vụ kết nối, chia sẽ với dự liệu quốc gia về dân cư,… thì vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, ngoại trừ Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp đã được kết nối liên thông với Hệ thống quản lý và trả kết quả giải quyết TTHC của BHXH Việt Nam đối với trường hợp cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và được triển khai thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các hệ thống còn lại đều hoạt động độc lập, không có sự kết nối, chia sẻ để có thể khai thác, tận dụng dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của nhau vì vậy gây khó khăn cho cán bộ thực hiện TTHC.

Thứ hai, việc cấp số định danh cho trẻ khi đăng ký khai sinh đôi khi còn chậm, lỗi... dẫn đến việc không hoàn thành được dữ liệu đăng ký trên Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp để chuyển dữ liệu điện tử sang Phần mềm Bảo hiểm y tế. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, công chức thực hiện phải xử lý hồ sơ giấy.

Thứ ba, khi thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến, một số công dân gặp trở ngại do chưa được đăng ký tài khoản và chưa có ví điện tử.

Thứ tư, khoản 4 Điều 2 của Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Cơ quan đăng ký thường trú là Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã”. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi (Thông tư liên tịch số 05) hiện nay vẫn còn hiệu lực. Do đó, vẫn còn chồng chéo về quy định, ảnh hưởng đến quy trình thực hiện liên thông các TTHC: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Để nâng cao hiệu quả trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 05, đảm bảo triển khai thống nhất việc thực hiện liên thông đăng ký thường trú, xóa thường trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020; cần có phương án nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cũng như Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết hồ TTHC trong lĩnh vực hộ tịch, đảm bảo chính xác và kịp thời cho công dân. Đồng thời, cần kết nối đồng bộ các hệ thống để khai thác, tận dụng dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và hướng dẫn để người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi, dễ dàng.

MINH ANH

4. Pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung?

(LSVN) - ​Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị đánh tử vong, vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác"; bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái bị truy tố về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm". Theo đó, Hội đồng xét xử đã ra Quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung, làm rõ, xác định lại tỷ lệ thương tích của bị hại theo yêu cầu từ Luật sư. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng việc Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là cần thiết và đúng quy định pháp luật. Theo quy định của pháp luật, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong quá trình xét xử thì Hội đồng xét xử cũng có thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu như còn thiếu những chứng cứ quan trọng để buộc tội, gỡ tội hoặc có những tình tiết quan trọng không thể làm sáng tỏ được tại phiên tòa.

Quy trình tố tụng sẽ diễn ra theo thứ tự là điều tra, truy tố, xét xử. Trong quá trình hoạt động các thủ tục tố tụng này thì Viện Kiểm sát có thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cũng có thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung. Căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung và thủ tục điều tra bổ sung được Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể.

​Về căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung và thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung hiện nay được quy định tại Điều 280, Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:

​- Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

​- Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

​- Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

​- Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì Hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết có liên quan đến việc buộc tội, xác định tính chất mức độ hành vi phạm tội và đặc biệt là xác định cho đúng tội danh đối với bị cáo. 

Pháp luật có quy định, trong trường hợp Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm thì có thể tiếp tục đưa hồ sơ trở lại cho Tòa án để xét xử. Quy định pháp luật về giới hạn xét xử thì Tòa án không được xét xử với tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố.  

Việc điều tra bổ sung có được thực hiện hay không, không chỉ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử mà còn phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cùng cấp.

Trong vụ án này, dư luận rất quan tâm và mọi người mong muốn vụ án được giải quyết nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xem xét và xử lý nghiêm minh để bảo vệ trẻ em, đảm bảo công bằng, bình đẳng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

TIẾN HƯNG

Vụ bé gái 8 tuổi bị đánh tử vong: Luật sư hi vọng một phiên tòa đúng người, đúng tội, đúng pháp luật