Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Tại đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết, để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Ảnh minh họa.
Về tác động đến thu ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự kiến số giảm thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng). Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, đại diện Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban này nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Thường trực Ủy ban cũng thống nhất với đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị rà soát để xem xét đối với một số mặt hàng chịu tác động của chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ (nếu chưa được giảm thuế), giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Có ý kiến cho rằng chỉ còn 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ đề xuất không giảm thuế, do đó đề nghị Bộ Tài chính rà soát, trường hợp chênh lệch thu 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ này không quá lớn, có thể cân nhắc giảm thuế đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng chịu thuế và người nộp thuế...