Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 để xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến về: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4
Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược với mục tiêu thể chế phải thông thoáng; thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, đem lại lợi ích và giá trị cao. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 35 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Tính riêng từ đầu năm 2025, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến đối với 18 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng được đổi mới. Trong đó đặc biệt quan tâm nội dung giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, tránh tập trung quá nhiều công việc lên trung ương mà phát huy tinh thần tự lực, tự cường của địa phương...
Trước yêu cầu thực tiễn và phát huy tinh thần hành động quyết liệt, nhất là từ thành công của Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc, tại Phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với sáu nội dung quan trọng. Các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm trong quá trình trao đổi, thảo luận; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.
Ngoài ra, Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc trong tháng 5 sẽ xem xét, thông qua số lượng dự án luật, nghị quyết rất lớn, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua 35 luật, nghị quyết quy phạm.