Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, Chính phủ cho biết, đến nay đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo. Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình chi tiết hơn 750 nội dung góp ý của nhân dân và đại biểu Quốc hội qua các phiên thảo luận về dự án luật này. Một trong những vấn đề được nhân dân quan tâm góp ý nhiều là vấn đề tài chính đất đai, giá đất, thu hồi đất... Trong đó có ý kiến đề nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua “nhà ở thứ hai trở lên” và thuế lũy tiến theo thời gian bán bất động sản, các loại phụ phí (càng ở khu vực, thành phố trung tâm phụ phí càng cao) để hạn chế đầu cơ đất, giữ đất, hạn chế tình trạng “nhà, đất không sử dụng”.
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho biết, Nghị quyết số 18 của Trung ương đã khẳng định, “quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”. Do vậy, dự thảo luật lần này đã bổ sung khoản thu từ “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm tiến độ”. Còn quy định cụ thể về mức thuế suất phải được quy định tại pháp luật về thuế.
Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ghi nhận nội dung này và báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế nghiên cứu, rà soát cho phù hợp.
Bên cạnh đó, về bảng giá đất, Chính phủ cho biết, có ý kiến cho rằng dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất là phù hợp. Bên cạnh đó cũng có ý kiến không quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm mà quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên; quy định ban hành bảng giá đất 5 năm, 3 năm, 2 năm một lần hoặc theo từng giai đoạn.
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho biết, qua tổng kết, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20% không đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường. Việc theo dõi chỉ số biến động giá đất thị trường chưa thực hiện được, dẫn đến bảng giá đất thường thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường.
Vì vậy, dự thảo luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất. Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong dự thảo luật theo hướng với các địa phương đã ban hành bảng giá đất 5 năm theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng bảng giá đất đã phê duyệt đến hết kỳ của bảng giá.
Ngoài ra, các địa phương có trách nhiệm tập trung nguồn lực lập và ban hành bảng giá đất hàng năm theo quy định của luật này để áp dụng sau khi bảng giá đất chu kỳ 5 năm hết hiệu lực.
PV
Những điểm quan trọng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cần lưu ý