/ Thư viện pháp luật
/ Chính sách đa dạng hóa nguồn vốn kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

Chính sách đa dạng hóa nguồn vốn kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

13/05/2025 11:35 |11 ngày trước

(LSVN) - Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.

Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.  Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp. Đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừaRà soát khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh; thực hiện quản lý theo mục tiêu tổng thể; quy định mức trích quỹ dự phòng tài chính hợp lý, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng; có cơ chế bổ sung nguồn lực, chính sách bảo hiểm hợp lý bảo đảm an toàn hệ thống. Nghiên cứu thành lập quỹ tái bảo lãnh và các mô hình bảo lãnh chéo, đồng bảo lãnh...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa. 

Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hoá, minh bạch hoá, số hoá điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn; đa dạng hoá nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế...; khẩn trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương và các quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp, cho vay khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm và hỗ trợ khởi nghiệp. 

Khuyến khích mô hình đồng tài trợ của các quỹ trung ương, địa phương, tư nhân và các tổ chức tài chính, tín dụng nhằm chia sẻ rủi ro và tăng mức ưu đãi cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị yêu cầu rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động của các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi để đa dạng hoá nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sửa đổi khung pháp lý về hoạt động của công ty cho thuê tài chính theo hướng mở rộng danh mục tài sản cho thuê, trong đó có tài sản phi truyền thống như phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ, dữ liệu. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về cho vay ngang hàng, về sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng để kết nối trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa với cá nhân, tổ chức tài trợ vốn.

Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp, đánh giá tình hình mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp từ phía các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng tín dụng thứ ba để tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn mực, chuẩn hoá chế độ kế toán, kiểm toán, thực hiện các giải pháp tăng uy tín và khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động cấp tín dụng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay phục vụ hệ sinh thái nội bộ...

NGỌC ANH