/ Góc nhìn
/ Tạo động cơ “thúc đẩy” DNNN - Nâng cao năng lực, hiệu quả

Tạo động cơ “thúc đẩy” DNNN - Nâng cao năng lực, hiệu quả

05/01/2021 17:54 |3 năm trước

LSVNO - Vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đối với nền kinh tế tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 12-NQ/T.Ư của Hội nghị T.Ư 5 khóa XII. Theo đó, DNNN là một lượng vật chất quan trọng...

LSVNO - Vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đối với nền kinh tế tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 12-NQ/T.Ư của Hội nghị T.Ư 5 khóa XII. Theo đó, DNNN là một lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong thời gian tới, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN, nâng cao hiệu quả DNNN.

Ảnh minh họa.

Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của DNNN và để DNNN thực sự giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế, mới đây, tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, các đại biểu và các chuyên gia kinh tế đã phân tích thực trạng, làm rõ những vấn đề bức xúc và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trên cơ sở đó, khuyến khích lãnh đạo các DNNN dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành DN.

Trải qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN từ hơn 12.000 DN vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 DN vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 DN 100% vốn Nhà nước. DNNN cũng chỉ còn hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.

Thật vậy nhiều năm nay, DNNN cơ bản thực hiện và đảm đương vai trò là lực lượng chủ lực, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động sản xuất của phần lớn các DNNN (xét trên tiêu chí lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước) đều có chiều hướng tích cực, kinh doanh có lãi. Điển hình, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của 526 DNNN đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016; vốn chủ sở hữu đạt gần 1,327 triệu tỷ đồng, tăng 4%; tổng doanh thu tăng 8%. Những số liệu đó cho thấy, đa số các DNNN đều đạt mục tiêu tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có nguồn lực để tái đầu tư mở rộng sản xuất và đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nhấn mạnh, thời gian tới, CPH, thoái vốn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt, đột phá hơn.

Dẫu được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách và được hưởng sự độc quyền trên một số lĩnh vực, nhưng đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế đất nước vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp của số đông DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít DNNN và các dự án đầu tư kém hiệu quả, nợ nần, thua lỗ, thất thoát tài sản, thậm chí rơi vào tình trạng không thể phục hồi.

Bên cạnh đó, với mô hình quản trị DNNN chậm được đổi mới, không phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thất thoát tài sản trong các DNNN xảy ra khá nghiêm trọng và chậm được xử lý. Tình trạng vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, vi phạm nguyên tắc thị trường, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp… còn diễn ra ở nhiều nơi. Việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước chưa theo đúng tiến độ và vẫn còn nhiều bất cập. Số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi thực hiện CPH còn lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.

Nghiên cứu của Viện năm 2018 cho thấy, xét trong quan hệ giữa DN 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là trên 3,1 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1% thì phần giá trị gia tăng lợi nhuận từ phần vốn nhà nước có thể tăng 0,8% đến 0,9% GDP. Do đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần áp dụng cơ chế quản trị và công cụ quản lý kinh doanh hiện đại nhằm giám sát chặt chẽ, hiệu quả, nắm được thông tin tài chính hằng ngày, thậm chí hàng giờ của từng DN, để đưa ra những quyết định phù hợp, cảnh báo rủi ro kịp thời…từ năm 2020-2025, phải hoàn thành áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế đối với DNNN và được các tổ chức uy tín xếp hạng, thừa nhận.

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, trước những yêu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và nâng cao năng suất lao động, đòi hỏi DNNN phải có những bước chuyển nhanh, mạnh và phù hợp, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và mới đây Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đang tạo nên áp lực cạnh tranh gay gắt và ngày càng lớn đối với khu vực DNNN. Thực tế đó đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách DNNN theo yêu cầu hạn chế một số lĩnh vực độc quyền và những ưu đãi dành riêng cho các DNNN, áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN để bảo đảm tương thích với cam kết CPTPP và giúp các DNNN phát triển vững chắc trong thời gian tới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý DNNN gắn với việc thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu đối với vốn và tài sản nhà nước. Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của các DNNN thông qua phương thức đổi mới quản trị DN và thực hiện chế độ thi tuyển rộng rãi đối với giám đốc và người điều hành DNNN.

Minh Sơn