Công trình xanh Việt Nam và nghiên cứu tâm huyết
Chương trình với sự tham dự của hơn 120 khách mời là các chuyên gia, Luật sư chuyên nghiên cứu về công trình xanh tại Singapore, Malaysia, Anh, Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các khoa liên quan…
Hội thảo quốc tế được tổ chức với mục tiêu nhận diện, phân tích những khía cạnh pháp lý, kinh tế, môi trường và thực tiễn trong việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế. Chương trình bao gồm 02 phiên chính với các tham luận đắc giá về công trình xanh như: Tham luận “Công trình xanh ở Singapore - Xây dựng công trình sử dụng năng lượng cực thấp và không sử dụng năng lượng”; Tham luận “Chính sách, pháp luật Singapore về phát triển công trình xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”; Tham luận “Pháp luật và chính sách đối với các dự án bất động sản xanh ở Malaysia; Tham luận “Các cơ chế khuyến khích công trình xanh tại London, Vương Quốc Anh”…
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.
Ngoài ra, còn có những tham luận đề xuất về chính sách, pháp luật liên quan đến thực tiễn phát triển công trình xanh của nước ta trong thời gian tới như: Tham luận “Cơ sở Pháp lý cho việc thực hiện dự án công trình xanh ở Việt Nam”; Tham luận “Công trình xanh ở Việt Nam - Quá trình phát triển và những thách thức mới”; Tham luận “Pháp luật về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đối với các dự án đầu tư: thực trạng và kiến nghị”…
Phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minhgợi mở: “Ngày nay chúng ta chứng kiến một kỷ nguyên mà công trình xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu của chúng ta về phát triển bền vững. Thực tế đã chứng minh, công trình xanh không chỉ mang đến các thay đổi tích cực về cảnh quan, mà còn thiết lập một nền tảng thực tế, năng động để nghiên cứu sự phát triển bền vững. Các thành tựu trên thế giới cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ trong việc mở rộng ranh giới của xây dựng xanh.
Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh, phản ánh cam kết của đất nước về tính bền vững và bảo vệ môi trường. Với bối cảnh đó, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc lồng ghép nội dung phát triển hoạt động xây dựng xanh với hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong khuôn khổ hội thảo, sự hợp tác tổ chức từ Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, cùng các nghiên cứu và trao đổi sẽ là minh chứng cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác nhằm đóng góp vào sự phát triển chung”.
Thống nhất tại sự kiện, các diễn giả đồng nhận định, công trình xanh đang trở thành xu hướng hội nhập thế giới về phát triển xanh, đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Phát triển công trình xanh là xu hướng toàn cầu hiện nay với khả năng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, vấn đề phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến bởi nhiều nguyên do, đặc biệt trong đó là các vấn đề về pháp lý và chính sách cần được giải quyết.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ những tồn đọng làm hạn chế sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Cụ thể như: Các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn nhiều e ngại khi tham gia phát triển lĩnh vực này do kinh phí đầu tư cao, kinh nghiệm phát triển công trình xanh còn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Về phía cơ quan Nhà nước, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành liên quan vẫn đang trong quá trình phối hợp để xây dựng quy chế ưu đãi, hỗ trợ thuế, phí, tạo thuận lợi về thủ tục hồ sơ cho công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh.
Những kiến nghị cho chính sách pháp luật về công trình xanh ở Việt Nam
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation, được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy công trình xanh Việt Nam. Tại hội thảo quốc tế về chính sách, pháp luật liên quan đến công trình xanh lần này, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu là một trong số các diễn giả nổi bật, đóng góp bài tham luận tâm huyết với chủ đề: “Chính sách, pháp luật Singapore về phát triển công trình xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.
CEO Lưu Thị Thanh Mẫu phát biểu tham luận tại hội thảo
Từ những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu nêu đề xuất “Cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng”. Điều này là để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Đề xuất tiếp theo góp phần thúc đẩy công trình xanh ở Việt Nam được CEO Phuc Khang Corporation nhấn mạnh là: “Cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân”. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh.
CEO Lưu Thị Thanh Mẫu cũng chỉ ra rằng chi phí ban đầu để thực hiện một dự án công trình xanh tại Việt Nam là nhiều hơn so với dự án công trình thông thường, dao động từ 1,2% đến 10%. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện dự án công trình xanh là không đáng kể. Từ đó, làm cho giá kinh doanh dự án công trình xanh sẽ cao hơn dự án thông thường, tạo nên tâm lí ngại đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư…
Với những lập luận đã nêu, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu có ý kiến về vấn đề này như sau: Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh như: (i) Cho vay với lãi suất ưu đãi; (ii) Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; (iii) Bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh. Cần tổ chức các giải thưởng liên quan công trình xanh nhằm tôn vinh đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Cuối cùng, để thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam, song song với chính sách và pháp luật thì cũng cần nâng cao nhận thức về công trình xanh cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng. "Có thể bắt đầu trước hết tại các khu vực đô thị như thông qua các chương trình đào tạo từ các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội, có chiến lược truyền thông về công trình xanh, tuyên truyền phổ biến cho người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua công trình về như thế nào là công trình xanh và những lợi ích to lớn mà công trình xanh đem lại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường”, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ.
Ông Douglas Snyder, Giám đốc điều hành của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) chia sẻ tại hội thảo.
Đồng thời, ông Douglas Snyder, Giám đốc điều hành của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) trong phần trình bày về “Công trình xanh Việt Nam - Quá trình phát triển và những thách thức mới” cũng nêu nhận định: “Công trình xanh không phải là trào lưu nhất thời của ngành xây dựng Việt Nam mà là một xu hướng tất yếu để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Công trình xanh cần được coi là một biện pháp thiết yếu để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam, ví dụ như dân số quá đông và đô thị hóa, các vấn đề về tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải, ô nhiễm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Để thúc đẩy nhanh sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức về công trình xanh cho cộng đồng và cả các bên liên quan, đặc biệt chính phủ đóng vai trò rất quan trọng với các chiến lược, quy định và chính sách phù hợp”.
CÔNG TRÌNH
Khẩn trương trình Chính phủ xem xét gia hạn thuế GTGT trước ngày 30/4