/ Tư vấn
/ Chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

03/09/2022 02:15 |

(LSVN) – Thời gian qua, việc mua bán, giao dịch qua mạng xã hội ngày càng được người dân ưa chuộng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng thường chỉnh sửa các “bill” – hóa đơn chuyển tiền, hay số dư tài khoản ngân hàng để gửi cho bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ổ nhóm dùng “ảo thuật” cắt ghép nội dung video để lừa đảo. Dịch vụ mỗi lần chỉnh sửa, cắt ghép chỉ từ 50.000 đồng/hóa đơn. Vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ảnh minh họa.

Về vấn đề nêu trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, hiện nay nhiều đối tượng lên mạng xã hội làm giả các hóa đơn thanh toán điện tử rồi thông qua các ứng dụng Internet banking, mobile banking của các ngân hàng để thông báo đã chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại hay cắt ghép nội dung video để lừa đảo. Hành vi này có thể bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó: 

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Mức phạt cao nhất đối với tội này là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Do đó, để tránh bị lừa đảo, Luật sư Hà lưu ý, người dân nên chờ tin nhắn thông báo đã nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình, thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công, nhất là với những người lần đầu giao dịch. Trong trường hợp, bị lừa đảo thì nên trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền.

PV

Cảnh giác với hành vi giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lê Minh Hoàng