Ảnh minh họa.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 473 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,98 %.
Như vậy, Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Theo đó, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết này, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ hoặc UBTVQH ban hành văn bản thí điểm. UBTVQH thấy rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng giải trình các nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết. Theo đó, về biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, nhiều ý kiến nhất trí với quy định biển số đưa ra đấu giá trong dự thảo Nghị quyết, nhưng đề nghị quy định rõ hơn biển số đưa ra đấu giá, nguyên tắc xác định biển số đưa ra đấu giá, biển số đấu giá không thành; Một số ý kiến đề nghị đấu giá với loại biển số xe ô tô nền vàng chữ đen.
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định tại khoản 1 cho ngắn ngọn, nhưng cụ thể, rõ ràng. Về giá khởi điểm, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá, một số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng. Nhiều ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như nêu trong Báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là: 80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 0 đồng; ý kiến khác đề nghị giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số rất đẹp.
Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định.
Tiếp thu ý kiến nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Đối với quy định quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô, có ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá. Một số ý kiến đề nghị quy định phân bổ ngay trong dự thảo Nghị quyết % nộp ngân sách Trung ương, % ngân sách địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước thì tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô không thuộc trường hợp phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Để bảo đảm cơ chế sử dụng phù hợp, linh hoạt, đúng quy định của pháp luật, UBTVQH xin Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này như quy định tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm c quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để gắn sang xe khác trong trường hợp xe hỏng, bị mất, bị thu hồi…; quy định thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp bán xe giữ lại biển số trúng đấu giá. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quyền của người trúng đấu giá như tại khoản 1 Điều 6 để rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về thời gian thực hiện thí điểm và điều khoản thi hành tại Điều 7, nhiều ý kiến nhất trí thời gian thí điểm là 3 năm, nhưng có ý kiến đề nghị thí điểm 1 đến 2 năm hoặc kéo dài lên 5 năm; một số ý kiến đề nghị ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 01/01/2023 hoặc ngày 01/7/2023; một số ý kiến băn khoăn về quyền và nghĩa vụ người trúng đấu giá khi kết thúc thí điểm.
THU UYÊN
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế