/ Pháp luật - Đầu tư
/ Cho phép UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Cần thiết nhưng phải hết sức cẩn trọng

Cho phép UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Cần thiết nhưng phải hết sức cẩn trọng

25/10/2021 16:11 |

(LSVN) – Để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay và tầm nhìn đến năm 2045, việc Chính phủ đề xuất thay đổi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là có căn cứ và cần thiết. Tuy nhiên, đây là một kiến nghị lớn, khi thay đổi chính sách sẽ kéo theo sự thay đổi từ bộ máy hành chính, các văn bản quy định liên quan đến các thủ tục đã được quy định trước đó. Chính vì vậy, phải có thời gian chuẩn bị dài hơn cho việc sửa đổi bổ sung các luật, văn bản dưới luật và các văn bản hướng dẫn của bộ nghành khác liên quan đến nội dung này.

  Ảnh minh họa. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Tờ trình 375/TTr-CP của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025). Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đất sử dụng các loại đất: Đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định.

Bên cạnh đó là việc giảm diện tích đất trồng lúa, tăng đất phi nông nghiệp. Cụ thể, Chính phủ dự kiến quy hoạch diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn ha, tập trung giảm tại vùng Đồng bằng Sông Hồng (101,8 nghìn ha), vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (88,56 nghìn ha)… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Cần có sự chuẩn bị kĩ càng

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, pháp luật Việt Nam quy định 5 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động. Còn những trường hợp khác khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì buộc phải xin phép của Cơ quan Nhà nước cấp có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 gồm: Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. 

Về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án được quy định tại Điều 58 Luật Đất đai 2013. Theo đó, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên; từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa; dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Do đó, đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

Ngoài ra, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện: Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định cụ thể tại Điều 59 Luật đai 2013 gồm: UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định; Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định không được ủy quyền. 

Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay và tầm nhìn đến năm 2045 thì việc Chính phủ đề xuất thay đổi quy hoạch và kế hoạch sử dụng là có căn cứ và cần thiết.

Tại tờ trình 375/Ttr-CP, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai. Đồng thời, bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai. Đối với kiến nghị này, Luật sư Hùng nhận định, ưu điểm nổi bật chính là đảm bảo được mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho cả cơ quan chức năng và các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Việc Chính phủ phân cấp thẩm quyền của mình cho địa phương sẽ phần nào giảm được tình trạng ùn ứ ở cấp Trung ương. Thay vì trình Thủ tướng Chính phủ thì cấp tỉnh phải trực tiếp quyết định đối với các dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ đó sẽ nâng cao tính linh hoạt, chủ động và nâng cao trách nhiệm của họ trong việc đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập liên quan đến kiến nghị này. Đây là một kiến nghị lớn, khi thay đổi chính sách sẽ kéo theo sự thay đổi từ bộ máy hành chính, các văn bản quy định liên quan đến các thủ tục đã được quy định trước đó. Vì vậy, phải có thời gian chuẩn bị dài hơn cho việc sửa đổi bổ sung các luật, văn bản dưới luật và các văn bản hướng dẫn của bộ nghành khác liên quan. 

Không nên thực hiện cắt giảm tại những vùng đất nông nghiệp có khả năng sản xuất lúa cao

Đối với kiến nghị giảm diện tích đất trồng lúa, tăng đất phi nông nghiệp, trong tờ trình Chính phủ đã cam kết bảo vệ và giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa và đảm bảo an ninh lương thực trên toàn quốc. Việc giảm diện tích đất trồng lúa chủ yếu tập trung tại hai vựa lúa lớn là đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên để phát triển hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển và cải tạo hệ thống thủy lợi.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, điều này xét thấy là khá phù hợp với tình hình hiện nay, khi một số diện tích đất trồng lúa nhỏ lẻ chưa được quy hoạch sản xuất tập trung, không sản xuất lương thực hiệu quả gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Nếu Chính phủ có những chính sách, chỉ đạo quy hoạch hợp lý với điều kiện của từng địa phương sẽ nâng cao hơn hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo an ninh lương thực theo Kết luận số 81-KL/TW.

Hơn nữa, việc cắt giảm diện tích không nên thực hiện tại những vùng đất nông nghiệp có khả năng sản xuất lúa cao. Đặc điểm của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một khi đã thực hiện thì gần như không thể khôi phục lại mục đích trồng lúa ban đầu. Do đó, các cơ quan chức năng cần hết sức cân nhắc, thực hiện khảo sát, báo cáo kỹ càng trước khi quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Để thực hiện những chính sách nêu trên đạt hiệu quả như mong muốn, theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, trước hết, các cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền cần phải chuẩn bị và dự kiến cho kế hoạch về việc sửa đổi bổ sung các luật, văn bản dưới luật và các văn bản hướng dẫn của bộ nghành khác liên quan đến nội dung này. Cùng với đó là chuẩn bị xây dựng một quy trình hoàn chỉnh, đội ngũ nhân sự đảm bảo cho việc thực hiện những thủ tục tại cấp tỉnh không bị vướng mắc, gây khó khăn cho nhân dân. Khi trực tiếp cho cấp tỉnh quyết định những dự án này có thể dẫn đến xuất hiện tình trạng lạm quyền trong việc  chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các địa phương có thể sẽ mải mê phát triển kinh tế công nghiệp mà bỏ quên nền nông nghiệp, không đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương thậm chí là cho toàn quốc.

Ngoài ra, song song với việc quy hoạch bảo vệ giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%  trên toàn quốc thì Chính phủ cũng nên yêu cầu các địa phương có quy hoạch cụ thể và cam kết đảm bảo diện tích trồng lúa, đất rừng ổn định phù hợp với từng tỉnh. Tránh trường hợp lạm dụng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Đối với kiến nghị giảm diện tích đất trồng lúa, tăng đất phi nông nghiệp thì đặc điểm của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một khi đã thực hiện thì gần như không thể khôi phục lại mục đích trồng lúa ban đầu.

HUYỀN TRANG

Một số vấn đề về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Lê Minh Hoàng