Cho vay bảo đảm bằng cầm cố thẻ tiết kiệm: Nhiều rủi ro khó lường cho các tổ chức tín dụng

06/02/2020 03:32 | 4 năm trước

LSVNO - Từ Bài viết: “Không thể cấm cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số 10 tháng 10/2019 của tác giả Tân Trào, tác giả đã dựa trên các quyền định đoạt...

LSVNO - Từ Bài viết: “Không thể cấm cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số 10 tháng 10/2019 của tác giả Tân Trào, tác giả đã dựa trên các quyền định đoạt tài sản, đưa ra các ý kiến về lợi ích có thể mang lại cho các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả lãi suất hấp dẫn. Những rủi ro phát sinh từ giao dịch, bài viết không nhận diện, phân tích làm sáng tỏ…?! Thực tiễn khuyến cáo của ngành ngân hàng, các TCTD khi thực thi đã vi phạm quy định mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân không dùng tiền mặt. Ngoài ra, qua nghiên cứu, tác giả bài viết còn phát hiện những rủi ro nghiêm trọng khác có thể xảy ra cho các TCTD, thậm chí nguy cơ mất vốn vay. Dựa trên lý thuyết rủi ro tín dụng (theory of credit risk), chúng tôi trao đổi, góp thêm những giá trị trong các khuyến cáo của ngành ngân hàng về giao dịch bảo đảm bằng cầm cố thẻ tiết kiệm, vốn dĩ đang là nghiệp vụ bảo đảm khá phổ biến tại các ngân hàng thương mại.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lý luận về rủi ro cho vay ngân hàng, những liên hệ đến bảo đảm tiền vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm

Rủi ro trong quan hệ cho vay (tín dụng ngân hàng)

Với bản chất là kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế, về phương diện vĩ mô, hoạt động cho vay của các TCTD luôn có sự quan tâm quản lý đặc biệt của các cơ quan nhà nước thông qua các định hướng cho vay phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ nhất định. Trong đó, nhà nước luôn thực hiện giám sát chặt chẽ cho vay đầu tư cổ phiếu, bất động sản - lĩnh vực luôn có biến động lớn, rủi ro cao. Mặt khác, với tư cách của một định chế trung gian, tổ chức này phải tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn của quyền tự do kinh doanh để bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, của những nhà đầu tư vì sự ổn định, phát triển lành mạnh hệ thống tài chính tiền tệ. Điển hình, trong bối cảnh hoạt động cho vay theo pháp luật Việt Nam hiện nay, các nhà làm luật đã nghiên cứu, luật hóa quy trình cho vay khá chặt chẽ, buộc các TCTD phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp dự phòng rủi ro tín dụng (chẳng hạn như: bán nợ xấu, nợ quá hạn, bảo hiểm tiền gửi, chủ động xử lý nợ...) tiệm cận với thông lệ và pháp luật quốc tế.

Định chế này cũng đang đối mặt trước những rủi ro từ các vụ án tham nhũng kinh tế, tội phạm chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, sử dụng tài sản có nguồn gốc tội phạm xác lập giao dịch lưu chuyển tiền tệ qua kênh ngân hàng, bao gồm cả các giao dịch bảo đảm. Nghiệp vụ cho vay nói riêng, cấp tín dụng nói chung không đơn thuần chỉ dựa vào khoản tiền gửi của khách hàng không rõ nguồn gốc, tính hợp pháp để đánh giá trọn vẹn năng lực tài chính của người vay, người bảo đảm. Do vậy, ngành ngân hàng thông qua Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) đã có Công văn số 7031/NHNN-TTGSNH ban hành ngày 06/9/2019 (Công văn 7031) yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cả về phạm vi kiểm soát nội bộ của các TCTD chính là thước đo để đánh giá hiệu quả tăng trưởng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu, nguy cơ mất vốn, tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD.

Bên cạnh các yêu cầu quản lý nhà nước về vĩ mô, về phương diện quan hệ cho vay (loan argreement), hoạt động này phải đáp ứng đầy đủ các đặc điểm về chủ thể, mục đích và nội dung cơ bản của giao dịch. Đích đến cuối cùng được các nhà làm luật đặt ra, cũng như các khuyến cáo có đề cập là nhằm giúp cho các khoản vay thật sự có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD.

Những liên hệ đến quan hệ bảo đảm cho vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm

Quan hệ giữa hợp đồng bảo đảm (có đối tượng thẻ tiết kiệm/hoặc sổ tiết kiệm theo cách dùng từ hiện nay) với hợp đồng cho vay (còn gọi là “hợp đồng tín dụng”) có đặc điểm của hợp đồng phụ, ràng buộc tương đối với hợp đồng chính. Theo nghĩa, hợp đồng vay vô hiệu, không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng bảo đảm và chỉ khi khoản vay (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lãi, bồi thường, phí tín dụng...) không được người đi vay hoàn trả “đầy đủ và đúng hạn”, khi đó mới phát sinh nghĩa vụ được bảo đảm. Do đó, nghiên cứu về hiệu quả của hợp đồng cho vay trong mối quan hệ bảo đảm cầm cố thẻ tiết kiệm cũng là yêu cầu bắt buộc của bài viết này, từ đó mới có căn cứ xác đáng để định vị mức độ rủi ro, kể cả khi các TCTD đã áp dụng biện pháp bảo đảm, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, hiệu quả thật sự của khoản vay cả về phương diện nghiệp vụ lẫn pháp lý.

 Trên phương diện khoa học ngân hàng, nghĩa vụ hoàn trả tiền vay được bảo đảm bằng tài sản hoặc bằng tín chấp [1]. Đồng thời, để bảo đảm quyền tự do giao dịch, quyền tự định đoạt tài sản, các quy định pháp luật dân sự hiện nay đã ghi nhận và mở rộng giao dịch bảo đảm bằng động sản thay vì bất động sản như trước [2]. Song các nhân tố cơ bản của quan hệ tín dụng vẫn duy trì chặt chẽ qua việc củng cố các quy định về phương án sử dụng vốn vào các mục đích vay khả thi,... cho dù khoản vay đó có được bảo đảm bằng tài sản hay không.

Quy định mục đích sử dụng vốn vay nhằm xác định ý chí của bên vay dự định sử dụng tiền vay vào kế hoạch, mục tiêu được ấn định trước, khi đó người vay mới ý thức tiết kiệm và quyết định tốt hơn về khoản nợ sau này [3]. Dựa trên cam kết của khách hàng, TCTD dễ dàng định giá khoản vay, kiểm soát được năng lực tài chính người vay. Tác giả Martin Gunson còn nhấn mạnh đến ý nghĩa này như sau: “Người mượn có trách nhiệm chỉ sử dụng tiền vay đúng mục đích…”[4]. Đồng nghĩa rằng, bất kỳ nghiệp vụ cho vay nào nếu không xác định mục đích vay đều vi phạm pháp luật, phải chịu các chế tài vi phạm, kể cả chế tài về hình sự, trong trường hợp hành vi vi phạm mục đích vay nhằm để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng [5]. Nghiệp vụ này gắn liền với phương thức giải ngân không dùng tiền mặt nhằm minh bạch hóa khoản vay, phòng chống rửa tiền, biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch” vốn dĩ ngân hàng chính là “kênh dẫn” các đối tượng rửa tiền thường ưu tiên lựa chọn, chiếm tỷ trọng giao dịch khá cao ở Việt Nam theo như đánh giá chính thức của các định chế quốc tế [6]. Quy định này, nhìn sâu xa hơn, cũng đồng thời tiến đến mục tiêu bảo đảm quyền tiếp cận các tiện ích ngân hàng, cũng như minh bạch hóa tài chính của các tổ chức, cá nhân.

Khoản tiền của khách hàng gửi vào ngân hàng được chứng nhận qua thẻ tiết kiệm [7], trong đó bắt buộc phải ghi rõ số dư, thời hạn, lãi suất và các nguyên tắc quản lý, sử dụng, kể cả khi thẻ bị mất... Việc ghi danh chủ thẻ trên thẻ tiết kiệm, trên lý thuyết người đó đang nắm giữ khoản tiền nhất định thông qua quyền yêu cầu ngân hàng phải trả số dư tiền gửi tiết kiệm, cho dù chưa có căn cứ pháp lý xác lập quyền sở hữu trọn vẹn, hợp pháp của chủ thẻ đối với số tiền gửi đó. Trong chừng mực nhất định, cho vay bảo đảm cầm cố thẻ tiết kiệm được các nhà làm luật ghi nhận trong thực tiễn song, khác với giấy tờ có giá khác (ví dụ như: séc, cổ phiếu, tín phiếu, hồi phiếu, kỳ phiếu, công trái...), biến động của giá trị tiết kiệm có phần ổn định hơn, các yêu cầu kiểm soát giá trị đó cao hơn. Nếu như thẻ tiết kiệm do TCTD phát hành, được bảo vệ bằng chính cơ chế hoạt động của định chế ngân hàng thì các giấy tờ có giá luôn có sự biến động lớn. Do đó, nhận cầm cố sổ tiết kiệm ở khía cạnh tích cực, vẫn giúp các khoản vay an toàn, trong trường hợp ngân hàng có cơ chế kiểm soát nội bộ tốt, hoạt động nhận tiền gửi minh bạch, tuân thủ nguyên tắc tiền gửi được chuyển vào tài khoản của ngân hàng, các quy định về giao dịch bảo đảm hoàn thiện phù hợp với đặc thù định chế kinh doanh tiền tệ.

Về phương diện tài sản, thẻ tiết kiệm được coi là chứng cứ xác nhận nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng với khách hàng gửi tiền [8]. Tuy đứng tên trên thẻ tiết kiệm dưới danh nghĩa cá nhân hoặc pháp nhân, song với đặc điểm tiền gửi là động sản, việc xác định tài sản đó sở hữu hợp pháp của cá nhân nào, từ đó thực thi quyền định đoạt thông qua xác lập giao dịch (cầm cố) hợp pháp thuộc phạm vi trách nhiệm tìm hiểu của ngân hàng. Hành vi nắm giữ tiền gửi không phải là căn cứ pháp lý duy nhất để chứng minh cho giao dịch (cầm cố) ngay tình, được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, với tư cách của chủ thể gửi tiền cũng vừa là chủ thể xác lập giao dịch tài sản bảo đảm, kể cả là chủ thể vay vốn tại ngân hàng gửi tiền hoặc một ngân hàng ngoài hệ thống để vay vốn với điều kiện nới lỏng, điều này cũng không bảo đảm tính khách quan của một giao dịch bắt buộc chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro.

Tóm lại, với tư cách của một tổ chức kinh doanh tiền tệ, các nguyên tắc giao dịch cầm cố tiền vay được đặt ra, làm thước đo đánh giá hiệu quả kiểm soát, quản lý, vốn dĩ TCTD thường tiếp cận rất nhiều hồ sơ tín dụng, khó phân định cụ thể. Do đó tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của luật về cho vay, nghiệp vụ của Ngành ngân hàng là cơ sở để bảo đảm khoản tín dụng được cấp có hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện biện pháp bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm, tài sản bảo đảm là số dư tiền gửi, khó xác định chủ thể sở hữu hợp pháp, cũng như quyền ưu tiên hàng đầu khi xử lý tài sản đó vẫn chưa được minh thị rõ nét trong luật.

Nhận diện và đánh giá những rủi ro phát sinh từ giao dịch bảo đảm tiền vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm do ngân hàng phát hành

Lướt qua vài trang web của các ngân hàng thương mại (NHTM), loại hình ngân hàng chiếm quy mô, tỷ trọng cho vay lớn nhất, có thể thấy, cho vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm được xem là sản phẩm tín dụng thường được mời chào [9]. Song thực hư giao dịch này đang được các TCTD thực hiện với khách hàng vay như thế nào? Mức độ hiệu quả, cũng như rủi ro, nguy cơ đến đâu, thiết nghĩ cần tiếp tục phân tích làm rõ, đối chiếu xem có đúng với những khuyến cáo như được viện dẫn hay không?

Xét về ưu điểm của biện pháp bảo đảm này, theo tác giả bài viết, cần nhìn nhận những giá trị tích cực như sau: i) Lợi ích của người gửi tiền nếu phải rút vốn khi chưa đáo hạn (lãi suất chuyển sang không kỳ hạn, mức lãi này rất thấp, thông thường khoảng từ 0,1% - 1%/năm) để giải quyết cho các nhu cầu cấp bách, với các thủ tục nhanh gọn, người vay tự do sử dụng vốn vay theo quyết định của mình; ii) Lợi ích của ngân hàng cho vay lãi suất cao hơn các khoản vay bình thường khác với cùng mục đích, duy trì quan hệ với khách hàng vay vốn; iii) Mở rộng các biện pháp bảo đảm, tăng cường cho vay đưa vốn tín dụng ra thị trường. Song, ở chiều ngược lại, về bản chất, giao dịch dạng này không tạo ra dư nợ tín dụng trong quan hệ với việc sử dụng hợp lý tiền gửi của TCTD. Nghiên cứu khoa học ngân hàng còn chỉ ra hiện tượng “tín dụng ma” (phantom loan), hình thức tín dụng tạo ra tài sản ảo trên sổ sách ngân hàng tại thời điểm cho vay, “làm méo mó tổng tài sản của ngân hàng”, các nước cấm áp dụng [10].

Tại Công văn 7031, CQTTGSNH yêu cầu TCTD phải tuân thủ quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là khâu kiểm soát mục đích sử dụng vốn khi nhận bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm. Hướng dẫn cũng phù hợp với quy định tại Điều 13 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2018 về tiền gửi tiết kiệm (Thông tư 48). Theo đó, tiền gửi tiết kiệm nếu được sử dụng làm tài sản bảo đảm phải theo hướng dẫn của Ngành ngân hàng, và theo các khuyến cáo tuân thủ nghiêm túc các quy định vay là có cơ sở pháp lý.

Trên cơ sở nghiên cứu những rủi ro phát sinh từ các hoạt động trên, tác giả bài viết tạm chia những rủi ro này thành hai vấn đề chính để phân tích, đánh giá như sau:

Rủi ro do vi phạm các quy định về ký kết, thực hiện thỏa thuận cho vay

Các quy định về cho vay và phòng ngừa rủi ro có thể nói là khá rộng, tác giả bài viết chỉ quan tâm quy trình cho vay đạt hiệu quả tín dụng. Theo đó, yêu cầu trước hết, người vay phải thanh toán nợ “đúng hạn và đầy đủ” [11], như một nghĩa vụ cơ bản, hàng đầu. Biện pháp cầm cố thẻ tiết kiệm là bước thứ hai, dự phòng khi người vay không trả được nợ như khoa học ngân hàng thường đề cập [12]. Do đó, theo tác giả bài viết, cần tiến hành rà soát, đánh giá xem các ngân hàng đã tuân thủ nghiêm túc các quy định này hay chưa ở các khía cạnh sau:

Về sử dụng vốn được giải ngân đúng mục đích:

Qua kinh nghiệm theo pháp luật các nước được tác giả tiếp cận nghiên cứu [13], tuy các quy định có khác nhau về mục đích sử dụng vốn vay, nhưng thực tiễn hợp đồng điều khoản này thường được đề cập như một cam kết có giá trị ràng buộc giữa bên vay đối với bên cho vay. Theo ý nghĩa của các cam kết này thì: “Hợp đồng vay được ký kết là bằng chứng cho thấy người vay và người cho vay có một cam kết vốn vay sẽ được sử dụng mục đích cụ thể…. Nếu số tiền không được sử dụng cho các mục đích quy định, nó sẽ được trả lại cho bên cho vay ngay lập tức” [14]. Tại Việt Nam, quy định được nghiên cứu và luật hóa khá cụ thể trước đây cũng như theo các quy định đang có hiệu lực hiện hành [15], các TCTD phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc. Trách nhiệm này còn được bảo đảm thực hiện bằng quyền kiểm tra, xử phạt hành chính của các cơ quan chuyên ngành ngân hàng như khuyến cáo cũng có nêu.

Qua thực tiễn hợp đồng tại các NHTM cho thấy, mục đích vay vốn bảo đảm tiền tiết kiệm phần lớn được ghi là nhằm mục đích cho vay tiêu dùng (consumer loan). Bằng việc đơn giản hóa thủ tục vay, không cần phương án vay vốn, người vay thường được giải ngân vốn vay ngay trong ngày, thủ tục này tương đối nhanh gọn với việc ký hợp đồng cầm cố tài sản (tiền gửi) của chính người vay hoặc người bảo lãnh. Với cách làm này, các ngân hàng đang lách luật, từ đó tự trao cho mình quyền được giải ngân vốn vay, đi ngược quy trình vay hiệu quả được luật định. Thật vậy, cần phân tích sâu hơn để thấy rằng, cho vay nhằm mục đích tiêu dùng tại các NHTM được phân bổ chủ yếu là nhằm vào các khoản vay mua nhà, xe, hỗ trợ du học, đối với nghiệp vụ cho vay thấu chi (mục đích tiêu dùng), do mức độ rủi ro cao, nên hạn mức cấp thấu chi khá thấp, có thể không cần thiết cầm cố bằng thẻ tiết kiệm… Khác với cho vay tiêu dùng theo chức năng của các Công ty tài chính, theo quy định, tổng dư nợ đối với một khách hàng không vượt quá 100.000.000 đồng [16], thường được bảo đảm bằng thu nhập ổn định của người vay, hỗ trợ thanh toán trực tiếp cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng hóa tiêu dùng.

Với quy định và thực tiễn thực nêu trên, các nhà làm luật đã trao quyền và nâng cao trách nhiệm của các TCTD, tuân thủ quy định mục đích sử dụng vốn vay, cho dù khoản vay đó là tiêu dùng hay nhằm mục đích kinh doanh. Điều này giúp nâng cao năng lực của người vay, bổ sung khả năng tài chính, duy trì và bảo đảm hoàn trả nợ đầy đủ khi đến hạn. Đó còn là sự đảm bảo cho công tác quản lý của nhà nước kiểm soát dòng tiền đầu tư vào nền kinh tế, theo đúng định hướng như trong phần lý luận bài viết này đã có đề cập.

Về giải ngân theo tiến độ thỏa thuận cho vay không dùng tiền mặt:

Sử dụng vốn đúng mục đích thường đi liền với các điều kiện và phương thức giải ngân theo tiến độ hợp đồng được ký kết. Thật vậy, nếu cấp thấu chi, khách hàng được sử dụng tiền mặt để chủ động thanh toán các khoản chi tiêu theo ý mình thì các khoản vay có giá trị nhất định với các mục đích khác phải được thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản, cho dù là cho vay tiêu dùng mua nhà, xe,... hay nhằm các mục đích kinh doanh. Kinh nghiệm cho thấy, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện đã lâu trên thế giới, tại Việt Nam từ những năm 1960, Ngân hàng nhà nước đã từng đưa ra khuyến cáo yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, cũng nhằm hướng đến mục đích củng cố các mối quan hệ này [17].

Thông tư số 21/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29/12/2017 quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay còn cấm các TCTD giải ngân bằng tiền mặt nhằm giám sát tốt hơn các khoản giải ngân sử dụng vốn không đúng mục đích, dẫn đến nợ xấu tăng. Ở khoản vay được bảo đảm cầm cố thẻ tiết kiệm thường thấy, với giá trị giải ngân gần bằng giá trị thẻ tiết kiệm, ngân hàng gần như không quan tâm mục đích của người đi vay, mà trao toàn quyền cho người vay hoặc người được bên vay chỉ định rút tiền vay sử dụng (tiền mặt) vào bất kỳ mục đích mình (người vay) muốn, cho dù quy định giải ngân bằng tiền mặt theo nguyên tắc chung, chỉ chi trả cho bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay không vượt quá 100.000.000 đồng. Vì vậy, quy định thanh toán không dùng tiền mặt trong những trường hợp này đã bị lạm dụng nghiêm trọng. Không thể vì lý do gửi tiền bằng tiền mặt, tổ chức, cá nhân tự chủ động vay tiền, từ đó được toàn quyền rút tiền mặt qua dịch vụ vay do ngân hàng cung cấp sử dụng vào mục đích riêng của mình, vi phạm quy định không dùng tiền mặt, đẩy những rủi ro có thể xảy ra cho các TCTD nếu cầm cố tiền tiết kiệm bất hợp pháp, không ràng buộc trách nhiệm bảo đảm.

Các quy định này gắn liền với trách nhiệm kiểm tra, giám sát của TCTD nhằm bảo đảm công tác quản trị, phòng ngừa rủi ro hiệu quả xuyên suốt hợp đồng. Trên lý thuyết, việc tuân thủ quy định mục đích sử dụng vốn, giải ngân bằng tiền mặt còn là cơ sở để các TCTD tiến hành kiểm soát tín dụng, đánh giá hiệu quả khoản vay, dự liệu rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. TCTD không thể xác định khoản vay nhằm mục đích gì, có hiệu quả hay không, các khoản giải ngân đã đáp ứng yêu cầu chưa nếu hợp đồng đó vi phạm. Mặc khác dựa vào đường đi của dòng tiền (giải ngân), TCTD tự bảo vệ quyền lợi trong trường hợp bị chiếm đoạt, yêu cầu các trách nhiệm liên đới. Với thực tiễn pháp lý nêu trên, tâm lý người gửi tiền đang “biến” ngân hàng thành nơi tiền giữ hộ, sẵn sàng gửi tiền ở kỳ hạn tối ưu lãi suất, sử dụng tiền gửi bất cứ lúc nào mình muốn, đi ngược với nguyên tắc quản trị, dự phòng rủi ro thường đặt ra của định chế này.

Cũng qua thực tiễn nghiên cứu, không ít ngân hàng cho vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm bổ sung tài sản bảo đảm vay vốn cho các hoạt động kinh doanh. Ví dụ: Công ty HP vay Ngân hàng VN 13.285.563.000 đồng và 224.100 USD theo các Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 1505 LAV-200800316 ngày 13/6/2008, số 200800144 ngày 18/3/2008, số 1505 LAV-200800182 ngày 03/4/2008 và số 1505 LAV 200800239 ngày 09/5/2008 [18]. Ở tình huống này, ngân hàng sử dụng vốn kinh doanh, có mục đích rõ ràng, bổ sung danh mục tài sản bảo đảm để khoản vay được an toàn hơn là thuyết phục. Song, rủi ro ở khía cạnh tài sản đặt ra cho các TCTD cần có góc nhìn đầy đủ, toàn diện, khách quan hơn về số dư tiền gửi tiết kiệm, từ đó gia cố các biện pháp phòng ngừa, dự phòng hợp lý.

Rủi ro phạm pháp do vi phạm các quy định về tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng

Tài sản dưới hình thức thẻ tiết kiệm có những đặc thù riêng, cũng như mang đến những rủi ro nhất định cho các ngân hàng khi nhận cầm cố. Các tranh chấp quyền sở hữu chung của vợ chồng, của hộ gia đình, tổ hợp tác, tài sản thừa kế, sở hữu chung xảy ra phổ biến, là nguy cơ có thể dẫn đến giao dịch cầm cố bị vô hiệu toàn bộ hay một phần do chủ thể gửi tiền không phải chủ sở hữu thật sự số tiền gửi, như thực tế đã xảy ra với các giấy tờ có giá khác (Chẳng hạn, Phán quyết số 1234/2012/KDTM-ST ngày 22/8/2012 của Tòa án nhân dân thành phố M. tuyên hủy Hợp đồng cầm cố ngày 27/10/2010 giữa Ngân hàng PN với ông ĐMA với 4.650.100 cổ phần do Ngân hàng TC phát hành, lý do tài sản cầm cố này là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân chưa chia, chủ sở hữu chung chưa đồng ý cầm cố). Cho dù các quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) hiện nay đã có những tiến bộ, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình liên quan đến quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng, chứng khoán, cho phép người đứng tên trên tài khoản được xác lập giao dịch tài sản chung của vợ chồng (Điều 32 Luật Hôn nhân gia đình 2014), song ở các quan hệ tài sản chung khác vấn đề này cần được minh thị rõ nét hơn bằng các án lệ, hướng dẫn cụ thể của Ngành tòa án.

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, tác giả bài viết nhận diện thêm hai rủi ro (ngoài các khuyến cáo của Ngành ngân hàng), có nguy cơ mất vốn cho các ngân hàng xuất phát từ sai phạm liên quan đến tiền gửi tiết kiệm như sau:

          Hành vi lập thẻ tiết kiệm giả mạo, vi phạm quy định gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm:

Tình trạng ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm không đúng quy trình gửi tiền, người gửi không nộp tiền mặt, vi phạm quy định tiền gửi tiết kiệm vẫn có thể xảy ra trên thực tế.

Về phương diện nghiệp vụ, kinh nghiệm tại một NHTM có hướng dẫn như sau: “Giám đốc nơi cho vay phân công Cán bộ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu các yếu tố ghi trên giấy tờ có giá khớp đúng với số tiền gửi lưu tại đơn vị (bao gồm cả dữ liệu trên IPCAS), phong tỏa giấy tờ có giá trong thời gian vay vốn...” [19]. Với nghiệp vụ kể trên, công tác kiểm tra tài khoản tiền gửi tiết kiệm là bắt buộc, căn cứ để xác định số dư thực tế tại thời điểm giao dịch, cũng như áp dụng các giới hạn rút tiền gửi (phong tỏa tài khoản), biện pháp này phần nào sẽ phát huy tác dụng nếu các bên tuân thủ nghiêm túc các quy định gửi tiền trước đó, được quy định khá cụ thể tại Điều 12 Thông tư số 48/TT-NHNN ngày 31/12/2018 về tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, TCTD thực hiện việc nhận đủ tiền gửi tiết kiệm và giao thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền theo các cam kết ràng buộc được ghi trong thẻ tiết kiệm và quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đối với các trường hợp cầm cố thẻ tiết kiệm ngoài hệ thống ngân hàng cấp thẻ tiết kiệm, trong điều kiện sự kết nối giữa các ngân hàng chưa được thực hiện tốt, người gửi tiền đồng thời cũng là người bảo đảm có thể cấu kết với nhân viên ngân hàng hoặc chủ động nại ra nhiều lý do để rút tiền gửi, vi phạm quy trình gửi tiền (không nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào kho quỹ ngân hàng). Điều này đẩy rủi ro các cho các TCTD nếu họ chỉ đơn thuần nhìn nhận số dư trên thẻ (chủ thẻ đang nắm giữ), lược bỏ quy trình kiểm tra giá trị hợp pháp của số dư tài khoản tiết kiệm, vi phạm các nguyên tắc cơ bản, an toàn trong hoạt động gửi tiết kiệm, cho vay ngân hàng.

Hành vi gửi tiền tiết kiệm có nguồn gốc tội phạm (tiền chiếm đoạt, tham nhũng):

Việc nắm giữ thẻ tiết kiệm theo quan điểm của tác giả, không đồng nghĩa số dư tiền gửi tiết kiệm và lãi suất thuộc sở hữu hợp pháp của người đó, từ đó trao quyền cho ngân hàng nhận cầm cố được phép toàn quyền định đoạt bằng biện pháp nghiệp vụ, phong tỏa cấn trừ nợ vay khi cần thiết. Người nắm giữ tài sản và các chứng từ pháp lý kèm theo là điều kiện để xác lập giao dịch bảo đảm, song quy định này dưới góc độ dân sự chỉ phù hợp đối với một số tài sản nhất định. Điều 167 BLDS Việt Nam 2015 hiện hành vẫn duy trì cho phép chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, ngay cả trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản từ việc lấy cắp, bị mất hoặc bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Dựa vào quan điểm của nhà làm luật quy định tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm [20], khi đó các giao dịch cầm cố tiền gửi để bảo đảm khoản vay từ ngân hàng, nếu người bảo đảm không phải là chủ sở hữu hợp pháp, thì TCTD không được công nhận quyền ưu tiên xử lý tài sản (tiền gửi) đó.

Giao dịch cầm cố thẻ tiết kiệm vì vậy cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, cụ thể Thông tư 48 về tiền gửi tiết kiệm không nhìn nhận quyền sở hữu tuyệt đối của người đứng tên tài khoản là chủ sở hữu hợp pháp tiền gửi. Do các quy định không ngăn cấm cầm cố thẻ tiết kiệm nên khi xác lập giao dịch bảo đảm, các bên (trách nhiệm này chủ yếu thuộc về các ngân hàng) có nghĩa vụ tìm hiểu đối tượng, tiến hành xác lập hợp pháp giao dịch này. Việc tin tưởng vào tư cách sở hữu tiền gửi của người gửi tiết kiệm chỉ dựa trên các quyền nắm giữ tài sản động sản (tiền) trên thực tế, là phương pháp duy nhất sẽ đặt ra không ít những rủi ro cho các TCTD, trong trường hợp khoản tiền đó bị thu hồi giải quyết tránh nhiệm dân sự trong một vụ án hình sự nào đấy mà người gửi tiền có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới. Việc pháp luật dân sự và ngân hàng chưa minh thị rõ, tạo ra nguy cơ không nhìn nhận giao dịch cầm cố ngay tình để bảo đảm quyền ưu tiên là nhân tố rủi ro lớn nhất cho các TCTD vốn dĩ là định chế kinh doanh tiền tệ, các TCTD không biết và không thể biết được tiền gửi do người nắm giữ có hợp pháp hay không. Qua đó một lần nữa để thấy rằng, nếu áp dụng nghiêm túc các quy định về mục đích sử dụng vốn, cũng như quy định tiền mặt và các biện pháp bảo đảm khác chính là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả khoản vay, hạn chế tối thiểu rủi ro, nguy cơ nêu trên.

Những khuyến nghị

Từ những phân tích, đánh giá, tác giả bài viết đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Một là, cần khẳng định Công văn 7301 và các quy định về tiền gửi, giao dịch bảo đảm không cấm các TCTD thực hiện biện pháp bảo đảm bằng cầm cố thẻ tiết kiệm. Vì trên thực tế, biện pháp này được gia cố, phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định cho các TCTD trong điều kiện các nhà làm luật mở rộng biện pháp bảo đảm, kể cả bằng tín chấp. Khuyến cáo này không cản trở quyền tự do tín dụng, không cản trở quyền định đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân vay vốn mà giúp cho khoản tín dụng được cấp trở nên an toàn hơn, phù hợp với định chế kinh doanh rủi ro. Đặc biệt, những khuyến cáo kịp thời, phù hợp với vai trò của CQTTGSNH, giúp các TCTD nhìn nhận đầy đủ tính chất mức độ hiệu quả của giao dịch, tránh những rủi ro từ các hành vi làm giả thẻ tiết kiệm, các ngân hàng thiếu liên kết, khó kiểm soát, phong tỏa số dư tài khoản, khó xác minh nguồn tiền gửi hợp pháp, rủi ro tiền gửi bị thu hồi sung công hoặc hoàn trả cho chủ sở hữu hợp pháp do bị chiếm đoạt, tham nhũng,…

Hai, ngành ngân hàng cần tiến hành rà soát, giám sát chặt chẽ, yêu cầu các TCTD thực thi nghiêm túc các quy định cho vay có mục đích rõ ràng, hiệu quả, giải ngân bằng tiền mặt theo đúng mục đích vay. Trên hết, các TCTD cần phải tăng cường kiểm soát nội bộ, rà soát, tăng cường, gia cố các biện pháp bảo đảm và có biện pháp thu hồi tài sản vay hiệu quả đối với những trường hợp chỉ đơn thuần nhận bảo đảm bằng cầm cố thẻ tiết kiệm, vi phạm quy định cho vay; đồng thời tuân thủ, hướng đến mở rộng cho vay thông qua các biện pháp bảo đảm bằng chính nguồn vốn vay, thay thì chỉ vận dụng biện pháp bảo đảm hoàn trả tiền vay bằng tiền gửi của chính khách hàng, trao tiền vay bằng tiền mặt cho khách hàng tùy nghi sử dụng tạo ra tăng trưởng tín dụng ảo, đẩy rủi ro cho các TCTD như các phân tích.

Ba, hoàn thiện luật cần xem xét các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ngân hàng xuất phát từ chức năng của đơn vị kinh doanh tiền tệ, ngay tình nhận bảo đảm tiền gửi tiết kiệm và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đó. Với các quy định của luật dân sự, ngân hàng hiện nay vẫn chưa làm rõ nhân tố hợp pháp, ngay tình khi nhận bảo đảm số dư tiền gửi, vô hình chung sẽ tạo ra nguy cơ đẩy mạnh giao dịch nguồn tiền bất hợp pháp (rửa tiền) qua ngân hàng theo phương thức trên. Vì vậy, theo tác giả bài viết, cần sớm sửa đổi luật cho phù hợp, trên hết có thể khẳng định đây là quan hệ hợp đồng có bù trừ nghĩa vụ, từ đó xem xét nguồn tiền được giải ngân từ ngân hàng là nguồn tiền phải bị thu hồi xử lý để giải quyết các trách nhiệm liên quan theo quyết định của quan tố tụng thẩm quyền (nếu có), thay vì thu hồi tiền gửi tiết kiệm (để thực thi các trách nhiệm dân sự), là tài sản bảo đảm cầm cố khoản vay đã được ngân hàng thực hiện theo đúng trình tự thủ tục.

Kết luận

Với những phân tích, đánh giá trên minh chứng rằng, rủi ro khi cho vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm là những rủi ro khá cao trong hoạt động cho vay ngân hàng. Đặc biệt trong điều kiện các quy định dân sự - ngân hàng vẫn chưa minh thị, bảo vệ quyền lợi của ngân hàng là bên ngay tình khi nhận bảo đảm dạng tài sản (tiền gửi) này, trong khi các giải pháp khả thi cho việc hoàn trả tiền vay bao gồm bảo đảm bằng vốn vay không được ngân hàng quan tâm, chú ý. Vì vậy, những khuyến nghị trên của bài viết nếu được hiện thực hóa sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng, ngay tình của TCTD, khắc phục đáng kể những rủi ro, nguy cơ mất vốn có thể xảy ra, đồng thời lợi ích của chủ sở hữu tài sản, các trách nhiệm dân sự (nếu có) vẫn được duy trì, củng cố .

TS. LS. Lương Khải Ân

________________________

[1]: Đây là hai hình thức bảo đảm tiền vay trong lĩnh vực ngân hàng, thay vì là 9 biện pháp bảo đảm như cách phân loại theo Luật Dân sự.

[2]: Xem thêm: International Finance Corporation (2015), “Workshop on Movables Finance – International Experience in Drafting Credit Contract and Security Agreement” (Hội thảo tài trợ vốn có bảo đảm là động sản – Kinh nghiệm quốc tế trong soạn thảo hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm), Nguyễn Xuân Thảo, Trường luật Mckinney, Đại học Indiana, Hoa Kỳ về hướng bảo đảm tiền vay bằng động sản, áp dụng hệ thống đơn nhất về giao dịch bảo đảm bằng tài sản dựa theo hướng dẫn lập pháp về giao dịch bảo đảm của UNCITRAL (2007).

[3]: Nguyên văn: “When you borrow money, it’s important to know how loans work. With a better understanding of loans, you can save money and make better decisions about debt - including when to avoid it. Learn how loans work before you start borrowing”. Xem: Justin Pritchart (2016), What Can I Use My Loan Money For (Tôi sử dụng tiền vay để làm gì)?

[4]: Nguyên văn: “The borrower has a duty to only use the money for the specified purpose…”. Xem: Martin Gunson (2013), Purpose clause in a loan or grant agreement (Điều khoản mục đích trong thỏa thuận cấp hoặc cho vay), http://www.bwbllp.com/file/property-win13-purpose-clause-pdf, truy cập ngày 02/02/2020.

[5]: Theo đó, khoản 3, Điều 15 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP cho phép cơ quan quản lý nhà nước phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: “a) Lập hợp đồng cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật”.

[6]: Tài liệu Báo cáo rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ năm 2012 - 2017, mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở mức trung bình cao, tập trung tại các giao dịch thanh toán và huy động vốn. Không chỉ riêng Việt Nam, tình trạng này xảy ra phổ biến ở các nước trên thế giới (theo UNODC - Tổ chức ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc, ước tính hiện nay, rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm là 2 - 5% GDP, tương đương 800 tỷ - 2000 tỷ đô la Mỹ). Xem: UNODC, Money-Laundering and Globalization (Rửa tiền và Toàn cầu hóa), https://www.unodc.org/unodc/en/money-laundering/globalization.html, truy cập ngày 02/02/2020.

[7]: Theo khoản 1, Điều 7 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm.

[8]: Xem: Khoản 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.

[9]: Website của Ngân hàng T., tại địa chỉ: https://www.techcombank.com.vn/khach-hang-ca-nhan/tin-dung/vay-cam-co-chung-tu-co-gia/vay-cam-co-so-tiet-kiem-tai-quay, truy cập ngày 19/01/2020.

[10]: Theo Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia kinh tế tại bài viết: “Nguy cơ “tín dụng ma” từ việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm”, tại địa chỉ: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/nguy-co-tin-dung-ma-tu-viec-cho-vay-cam-co-so-tiet-kiem-312862.html, truy cập ngày 30/01/2020.

[11]: Nguyên tắc này được pháp luật Việt Nam khẳng định và tôn trọng, ghi rõ trong luật ngân hàng và Luật Lao động.

[12]: Xem HongKong bank (bản song ngữ, 2004), The ABC to Credit, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 51-52.

[13]: Pháp luật ngân hàng của Đức, Malaysia không đề cập đến nghĩa vụ này trong hợp đồng vay; Pháp luật Trung Quốc quy định về mục đích sử dụng vốn vay tương đối cụ thể (cả trong lĩnh vực ngân hàng và dân sự). Bên cạnh đó, TCTD phải thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt việc sử dụng, khả năng và hình thức hoàn trả cũng như các vấn đề liên quan khác của người vay (Điều 35, 37 Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc).

[14]: Nguyên văn: “The signed loan contract is proof that the borrower and the lender have a commitment that funds will be used for a specified purpose, how the loan will be paid back and at what amortization rate. If the money is not used for the specified purpose, it should be paid back to the lender immediately”. Xem thêm: What is a Loan Agreement? (Hợp đồng cho vay là gì), Xem tại: https://www.debt.org/credit/loans/contracts, truy cập ngày 01/02/2020.

[15]: Xem: Khoản 2, Điều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

[16]: Khoản 1, Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 30/12/2016 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

[17]: Xem: Nghị định số 04-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 07/3/1960 về thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng nhà nước.

[18]: Tài sản bảo đảm cho các khoản vay của Công ty HP tại Ngân hàng, theo liệt kê, còn có: i) Tài sản của ông Huỳnh Văn Th: Các sổ tiết kiệm có mã số PL 140522 trị giá 1.000.493.151 đồng, mã số PL 140521 trị giá 500.246.575 đồng, mã số PL 140520 trị giá 400.197.260 đồng (có tổng giá trị 1.900.936.986 đồng), phạm vi bảo lãnh 1.800.000.000 đồng theo Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá số 01/HĐCC ngày 18/3/2008; iii) Tài sản của bà Trần Thị Th: Các sổ tiết kiệm có mã số AA572448 trị giá 1.000.000.000 đồng và mã số AA572449 trị giá 1.000.000.000 đồng (có tổng giá trị 2.000.000.000 đồng), phạm vi bảo lãnh 1.800.000.000 đồng theo Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá số 02/HĐCC ngày 20/3/2008; Các sổ tiết kiệm có mã số AA472809 trị giá 1.000.000.000 đồng và mã số AA472808 trị giá 1.000.000.000 đồng (có tổng giá trị 2.000.000.000 đồng), phạm vi bảo lãnh 1.900.000.000 đồng theo Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá số 03/HĐCC ngày 28/3/2008; Sổ tiết kiệm có mã số AA563649 trị giá 3.000.000.000 đồng phạm vi bảo lãnh 3.000.000.000 đồng theo Hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá số 04/HĐCC ngày 02/4/2008.

[19]: Theo Điều 10 Quyết định số 318/QĐ-NHNo-HSX do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành ngày 17/3/2015 hướng dẫn cho vay cầm cố giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm trong hệ thống Ngân hàng.

[20]: Xem: Khoản 1, Điều 295 BLDS 2015.